Thuốc đắng dã tật
Mỗi ngày một chuyện - Ngày đăng : 03:47, 23/05/2010
Người đi bộ phạm luật vì vỉa hè chật hẹp; vạch sơn dành cho người đi bộ quá mờ hoặc không có trên một số tuyến đường hoặc đơn giản là ý thức tham gia giao thông của họ kém, cứ cố tình phạm luật. Và thực tế đã có nhiều tai nạn xảy ra có nguyên nhân từ người đi bộ và chính họ lại là nạn nhân.
Nghị định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đã được áp dụng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh từ ngày 20-5-2010 đã "chú ý" hơn đến người đi bộ, khiến số trường hợp vi phạm giảm 30-40% so với trước. Nhiều trường hợp vi phạm đã bị xử phạt. Nhưng cũng có nhiều trường hợp chỉ bị nhắc nhở vì muôn vàn lý do đã được lường trước như: không mang theo tiền, không mang chứng minh nhân dân hoặc đang thuê nhà nên không nhớ địa chỉ cụ thể... Đa số những trường hợp này đều là người lao động, thu nhập thấp. Với những trường hợp ấy, cảnh sát giao thông đành nhắc nhở và cho đi.
Nhưng hậu cái sự "nhắc nhở và cho đi" ấy sẽ ra sao? Hoặc ý thức của người đi bộ tốt hơn hoặc họ sẽ vin vào những lý do khiến họ không bị phạt để tiếp tục phạm luật. Ở đây, xem ra khả năng thứ hai dễ xảy ra hơn và vì vậy, với những trường hợp mà cảnh sát không thể phạt tiền cũng cần có cách xử lý khác (kiểu như phạt lao động công ích mà nhiều nước vẫn áp dụng...) chứ không thể nhắc nhở suông. "Thuốc đắng dã tật", thuốc không đủ đắng e rằng tật vẫn còn. Tất nhiên khi thực hiện các hình thức xử phạt khác cũng sẽ có phức tạp riêng. Nhưng khó cũng phải làm. Làm cho chính người đi bộ, người điều khiển phương tiện và bộ mặt đô thị lớn văn minh hơn.