Về việc xây dựng căn hộ nhỏ dưới 45m2: Theo nhu cầu hay theo luật?
Đời sống - Ngày đăng : 07:44, 22/05/2010
Tuy nhiên, khi dự án vừa khởi động đã bị ngưng lại vì theo Luật Nhà ở, một căn hộ bắt buộc phải có diện tích trên 45m2. Xung quanh chủ đề nên hay không nên xây dựng các căn hộ có diện tích nhỏ dưới 45m2, Báo Hànộimới nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp, phân tích. Dưới đây, chúng tôi xin trích đăng ý kiến của một số bạn đọc.
Ông Vũ Hồng Sơn (khu tập thể Thành Công, quận Ba Đình): Có điều kiện thì ai chẳng muốn nhà cao cửa rộng...
Xem trên các diễn đàn, tôi thấy chủ đề về xây dựng căn hộ nhỏ dưới 45m2 để bán được mọi người tham gia rất sôi nổi, đặc biệt là với những người đang phải đi thuê nhà để ở như tôi. Đã là con người, ai chẳng muốn nhà cao cửa rộng nhưng lực bất tòng tâm bởi thu nhập của người dân tính theo đầu người còn thấp. Với đồng lương của một cán bộ, công chức, trừ các chi phí sinh hoạt, giỏi lắm mỗi tháng chỉ dành ra được khoảng 2 triệu đồng. Vậy thì phải tiết kiệm trong bao nhiêu thời gian, họ mới đủ tiền mua một căn hộ 50-60m2 với số tiền khoảng hơn 1 tỷ đồng, mặc dù nhu cầu cần có một ngôi nhà để ở là hoàn toàn chính đáng. Tôi cho rằng, việc xây dựng các căn hộ nhỏ để bán cho người thu nhập thấp là việc nên làm. Tính trung bình, một căn hộ với diện tích trên dưới 30m2 giá chỉ khoảng 500 triệu đồng, nhiều người có thể dành dụm để mua được. Tôi biết, việc xây dựng các căn hộ nhỏ hiện nay đang vướng vì các quy định ràng buộc của Luật Nhà ở. Tuy nhiên, nếu vì lợi ích và nguyện vọng chính đáng của người dân, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể nghiên cứu, sửa đổi.
Bà Phạm Quỳnh Anh (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy): Dù cấm nhiều người vẫn làm chui...
Trên địa bàn một số quận, tôi thấy hiện đang tồn tại nhiều chung cư mini do tư nhân tự xây và bán. Diện tích mặt bằng của toàn bộ chung cư này chỉ khoảng 200-300m2, được chủ đầu tư tận dụng triệt để để xây dựng với các căn hộ nhỏ 20-30m2. Khi xây dựng kiểu nhà này, họ thường lách luật bằng cách xin phép xây dựng công trình nhà ở cao tầng bao gồm nhiều phòng, sau đó hợp khối bằng hành lang đi chung. Kinh doanh căn hộ kiểu này vừa dễ bán vừa cho lợi nhuận cao. Tuy nhiên, việc tồn tại các chung cư mini này sinh ra rất nhiều phiền phức: số người ở tăng lên, hạ tầng kỹ thuật yếu đi, đường đi lối lại chật hẹp, rác thải sinh hoạt không có chỗ chứa, vừa mất vệ sinh vừa gây ảnh hưởng tới ANTT. Theo tôi, Nhà nước nên cho phép các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội với thiết kế căn hộ có diện tích trên dưới 30m2 vì phù hợp với nhu cầu và túi tiền của khá đông người dân, đồng thời hạn chế kiểu xây chung cư mini chui.
Anh Nguyễn Văn Hải (Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện Việt Nam): Luật Nhà ở không tính đến các hộ độc thân...
Tôi nghĩ, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hiện có hàng vạn người đang sống độc thân giống như tôi nhưng chỉ có một số ít người có đủ khả năng tài chính để mua một căn hộ “ hoành tráng”, còn lại hầu hết vẫn phải sống tạm bợ. Theo tính toán, một căn hộ trên 45m2 có thể đáp ứng sinh hoạt cho một hộ gia đình từ 3-4 người song trên thực tế, có rất nhiều người độc thân không cần một căn hộ có diện tích lớn đến như vậy, nhất là khi tài chính còn eo hẹp. Chúng tôi thường nói với nhau: “Ăn nhiều chứ ở hết mấy”. Chính vì thế, khi có thông tin một số doanh nghiệp triển khai dự án xây dựng nhà chung cư với thiết kế diện tích các căn hộ dưới 30m2, chúng tôi háo hức chờ mua, vậy mà bây giờ dự án lại bị ngưng vì vướng luật. Tôi cho rằng, luật được xây dựng là để bảo đảm, đáp ứng các vấn đề an sinh của xã hội. Vậy thì việc điều chỉnh luật không có gì đáng ngại, quan trọng là việc quản lý, giám sát thiết kế và xây dựng các tòa nhà chung cư có diện tích căn hộ nhỏ. Nếu bảo đảm chất lượng, các căn hộ này hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu của người dân.