Một con người nhân hậu
Chính trị - Ngày đăng : 07:43, 22/05/2010
Nhận thêm một người ung thư làm mẹ
Gặp Ân bên lề Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác của TP Hồ Chí Minh - năm 2010, điều đầu tiên dễ nhận ra là nụ cười đôn hậu và gương mặt thánh thiện. Ân kể: Năm 2002, mẹ ruột bị bệnh ung thư gan giai đoạn cuối, điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TP nên anh thường xuyên đến chăm sóc mẹ. Những ngày đó, bà Phẳng (người sau này Ân nhận làm mẹ nuôi) cũng bị bệnh ung thư vú nằm kế bên mẹ ruột của Ân, nên mỗi khi vắng Ân là mẹ Phẳng đến trông nom, chăm sóc, đi mua dùm thuốc men. Từ đó Ân quý mến, trân trọng mẹ Phẳng và xem như người mẹ thứ hai của mình.
Nỗi buồn về người mẹ ruột mới mất chưa nguôi ngoai thì Ân lại nhận được tin mẹ Phẳng trở bệnh nặng, lập tức anh bỏ học, từ Bà Rịa - Vũng Tàu khăn gói lên Sài Gòn để chăm sóc. Từ tắm giặt, xoa bóp, đến lau chùi những vết thương của mẹ Phẳng đều do một tay Ân làm cả. Khi mẹ Phẳng đã bắt đầu qua cơn nguy kịch thì Ân lại mơ đến giảng đường đại học. Ngày nhận được tin đậu vào khoa Đông Nam Á học (Trường Đại học Mở TP Hồ Chí Minh), niềm vui và nỗi buồn cứ xen lẫn trong lòng chàng trai trẻ này. Vui vì đỗ đại học, buồn vì không biết sẽ làm gì để có tiền vừa lo việc học vừa lo thuốc men, cũng như có thời gian để chăm sóc mẹ. Nghĩ mãi, Ân quyết định thành lập nhóm bạn chuyên đi phục vụ tiệc, lễ cưới cho các nhà hàng. Ân làm nhóm trưởng với nhiệm vụ đến từng nhà hàng trong TP để "chào hàng", khi nào có tiệc hay đám cưới các ông chủ sẽ thông báo cho anh, rồi anh thông báo với các bạn trong nhóm đi làm. Tiền phục vụ nhà hàng, mỗi tháng Ân chỉ được khoảng 1 triệu đồng. Nếu ăn uống, đóng học phí thì không còn tiền đâu để mua thuốc, hay mua thêm thực phẩm để bồi dưỡng cho mẹ.
Cũng may mẹ Phẳng thuộc diện bệnh nhân nghèo, không nơi nương tựa nên được bệnh viện hỗ trợ một phần thuốc men và cả suất cơm từ thiện. Tận dụng suất cơm ấy, Ân ăn chung với mẹ Phẳng để dành tiền mua thêm thuốc và một số thực phẩm dinh dưỡng cho bà. "Suất cơm từ thiện rất đạm bạc, chẳng có dinh dưỡng gì, mình trẻ có sức thì ăn sao cũng được, chứ mẹ Phẳng bị bệnh mà ăn như thế làm sao có sức. Nhiều lúc vừa phải mua thuốc, mua thêm thức ăn để bồi dưỡng cho mẹ, lại đúng dịp đóng học phí nên với số tiền ít ỏi trên không thể nào kham nổi. Những lúc đó, Ân tìm đến một số chùa để xin sự giúp đỡ rồi những người thân của các bệnh nhân ở đây thấy hoàn cảnh thương tâm, kẻ ít người nhiều, giúp đỡ cho Ân nên rồi mọi việc cũng được giải quyết" - Ân bộc bạch.
Mong muốn được cống hiến, đóng góp cho xã hội
Hơn 5 năm sống ở chùa Tường Vân (huyện Đơn Dương, Lâm Đồng), Ân đã học được sự từ bi, nhẫn nại. Ân bảo rằng, nếu không có có sự nhẫn nại thì chắc chắn mình không thể nào duy trì nuôi dưỡng mẹ Phẳng suốt 5 năm trời trong điều kiện vừa học, vừa làm. Khó khăn nhất là giai đoạn 2006-2007, đây là thời điểm mẹ Phẳng bước vào giai đoạn cuối của căn bệnh ung thư, bệnh tình rất nặng, còn anh lại đang chuẩn bị làm luận văn tốt nghiệp. Vừa lo học, lo kiếm tiền, vừa chăm sóc mẹ nên Ân chỉ lên giảng đường học nửa buổi, hoặc chỉ học những môn chính rồi tranh thủ về chăm sóc mẹ những ngày cuối đời. Biết hoàn cảnh khó khăn của Ân nên nhà trường cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi để anh hoàn thành luận văn tốt nghiệp của mình. Và với đề tài "Tiềm năng phát triển du lịch sinh thái Côn Đảo so với Bang Sabah (Malaysia)", Ân đã giành điểm cao tuyệt đối; sau đó đề tài này còn giành cả giải khuyến khích sinh viên nghiên cứu khoa học toàn quốc và giải ba Eureka (giải sinh viên nghiên cứu khoa học TP Hồ Chí Minh). Đem thành tích về khoe với mẹ Phẳng, mẹ cười rưng rưng nước mắt và hứa ngày Ân nhận bằng tốt nghiệp sẽ đến chúc mừng con. Nhưng chưa kịp đến ngày đó thì mẹ đã trút hơi thở cuối cùng…
Giờ đây, khi mới ra trường làm việc được 2 năm tại Phòng Lữ hành (Sở VH-TT&DL TP Hồ Chí Minh), Ân đã nghĩ đến chuyện giúp đỡ những trẻ em nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa, bằng việc đứng ra thành lập "CLB công dân trẻ tiêu biểu TP". Chỉ trong vòng một thời gian ngắn, CLB đã phối hợp với các bệnh viện tổ chức gần 10 chuyến đi khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho đồng bào vùng xâu, vùng xa; kết hợp với các doanh nghiệp tổ chức nhiều đợt trao học bổng cho học sinh nghèo, học giỏi. Ân tâm sự: "Tôi muốn làm một điều gì đó để đóng góp cho xã hội, cho TP".