Không thể “há miệng chờ sung”
Chính trị - Ngày đăng : 07:41, 22/05/2010
Sản xuất miến tại xã Đại Thành, huyện Quốc Oai. Ảnh: Lê Tuấn |
Thực trạng của địa phương
Mặc dù có lợi thế đất đai rộng (9 sào vườn, 6 sào ruộng), lại có sức lao động (3 lao động chính/5 nhân khẩu) nhưng đói nghèo vẫn cứ mãi đeo đẳng hộ gia đình anh Bùi Văn Trung ở thôn Cổ Rùa, xã Phú Mãn. Theo anh Trung, đồng ruộng bậc thang, thủy lợi khó khăn nên năng suất lúa ở đây rất thấp. Năm nào mùa màng thuận lợi thì gia đình mới đủ gạo ăn, còn gặp năm mất mùa thì phải đong ăn tới bốn, năm tháng. 9 sào vườn được anh Trung trồng keo và sắn nhưng cây keo phải mất 5-6 năm nữa mới cho thu còn sắn thì chỉ đủ cho gà và trâu ăn.
Theo ông Nguyễn Quốc Huệ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Mãn những hộ như gia đình anh Trung ở địa phương không ít. Đặc thù của xã có 90% dân số là đồng bào dân tộc Mường, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu. Tuy nhiên, do địa hình đồi gò, nước tưới phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên nên sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Năng suất lúa của xã bình quân chỉ đạt 150kg/sào/vụ xuân và 80kg/sào vào vụ mùa. Kinh tế khó khăn nên hạ tầng nông thôn cũng chậm được kiến thiết. Đường giao thông chính của xã dài 5km mới kiên cố hóa được 1km, toàn bộ đường liên thôn chưa được bê tông. Đến hết năm 2009, xã có hơn 540 hộ dân thì có 131 hộ thuộc diện hộ nghèo chiếm 24,26% dân số. Thu nhập bình quân đầu người mới đạt 4 triệu đồng/người/năm.
Không riêng gì Phú Mãn, huyện Quốc Oai còn hơn 5.300 hộ nghèo, chiếm 12,05% số hộ. Trong đó, một số xã tỷ lệ hộ nghèo cao như: Đại Thành 24,32%, Phú Mãn 24,26%, Đông Xuân 20,94%, Yên Sơn 21,97%, Đông Yên 27,57%.
Gian nan xóa đói, giảm nghèo
Theo ông Nguyễn Đình Xứng, Trưởng phòng LĐ-TB&XH, Phó trưởng Ban Chỉ đạo xóa đói giảm nghèo của huyện, với đặc điểm tự nhiên nơi thì "chưa mưa đã úng" như Cấn Hữu, Đồng Quang; nơi lại đồi gò thường xuyên thiếu nước sản xuất như Phú Mãn, Đông Xuân, Phú Cát... đã gây khó khăn trong sản xuất nông nghiệp. Hơn nữa, trình độ của người nông dân còn hạn chế nên việc tiếp thu khoa học kỹ thuật rất chậm. Một số vùng có lợi thế như xã Đại Thành là quê hương của giống nhãn chín muộn, song không phải hộ nào trong xã cũng thành công với cây trồng này do liên quan nhiều đến kỹ thuật canh tác.
Ông Xứng cũng thẳng thắn nhìn nhận, dạy nghề cho nông dân là giải pháp quan trọng giúp nông dân thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên, thực tế công tác này chưa phát huy được hiệu quả do nghề đưa về chưa phù hợp nhu cầu thực tế của người dân. Hơn nữa, tâm lý người nông dân không hào hứng với học nghề mà muốn đi làm ngay để kiếm tiền trước mắt. Nhiều nghề được mở ra song cứ "thầy về thì nghề theo" bởi không có đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Hỗ trợ vốn thoát nghèo nếu không có giải pháp đi kèm thì đồng vốn như "gió vào nhà trống" bởi hộ nghèo cái gì cũng thiếu, có tiền mà không biết cách làm ăn, hoặc tiền vốn được hỗ trợ dùng vào việc mua sắm vật dụng sinh hoạt gia đình thì nghèo vẫn mãi nghèo. Do đó, để hỗ trợ hiệu quả cho người nghèo, các cơ quan chức năng cần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, liên kết các "nhà" giúp người nông dân tìm đầu ra cho sản phẩm. Ở những diện tích sản xuất kém hiệu quả, nên chuyển đổi sang hoạt động khác như dịch vụ hoặc cho doanh nghiệp thuê để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, vừa tận dụng quỹ đất, vừa giải quyết việc làm cho nông dân. Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, sự quan tâm của cộng đồng xã hội, thì ý thức tự vươn lên của từng hộ nghèo là yếu tố quyết định để thoát nghèo bền vững.