Nên thống nhất về chủ trương trước

Xã hội - Ngày đăng : 17:43, 21/05/2010

(HNMO) – Một ngày sau khi được trình trước Quốc hội, chiều 21/5, dự án đầu tư xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội – T.P Hồ Chí Minh đã được đưa ra thảo luận tại tổ.


Tại tổ Hà Nội, bà Trần Quốc Khánh nhất trí, muốn hiện đại hóa đất nước phải phát triển giao thông, làm đường sắt. Bà Khánh đánh giá, báo cáo thẩm tra của UBKHCNMT về dự án ĐSCT đã được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, thể hiện rất khách quan, khoa học và có trách nhiệm, từng vấn đề đều được cân nhắc, tính toán nghiêm túc. Tuy nhiên, theo đại biểu Khánh, Chính phủ cần cân nhắc thời điểm đầu tư cho phù hợp, tính đến cả hiệu quả của các dự án đường Hồ Chí Minh, đường hàng không…

Ngoài ra, cần lưu ý tới sự phù hợp với các quy hoạch liên quan, đánh giá kỹ hơn tác động của dự án tới môi trường, an ninh quốc phòng, di dân tái định cư…

Đại biểu Khánh cũng lưu ý đến vấn đề vốn đầu tư cho dự án. Hiện nợ quốc gia của VN dù chưa vượt quá giới hạn nhưng cũng đang ở mức cao. Chính phủ cần giải trình kỹ những nội dung mà báo cáo thẩm tra đã nêu, kết hợp ý kiến của các UB khác về nguồn vồn, đầu tư… để QH có căn cứ xem xét, thông qua.

Tán thành chủ trương cần thiết xây dựng tuyến đường sắt cao tốc này, đại biểu Phạm Thị Loan cho rẳng, thực ra, lúc này tính đến việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc này đã là muộn vì VN là một nước dài, trong khi hệ thống đường sắt cũ được nâng cấp, xây mới ít, chưa đáp ứng yêu cầu.

Về hình thức đầu tư, bà Loan lấy ví dụ về dự án xây dựng đường sắt cao tốc của Đài Loan. Đài Loan lúc đầu cũng nhờ Nhật Bản tư vấn thiết kế với vốn đầu tư là 27 tỷ USD cho hơn 340km đường sắt. Nhưng sau đó, Đài Loan chuyển qua hình thức đấu thầu, dự án hoàn thành chỉ mất có 16 tỷ USD.

Từ đó, đại biểu Loan ủng hộ việc nâng cấp hệ thống đường sắt hiện có, đồng thời xây dựng tuyến đường sắt mới. Nhưng cần phải tính toán lại tổng mức đầu tư và phương án huy động vốn của dự án.

“Nếu vay nhiều như vậy để triển khai dự án thì sẽ là gánh nặng nợ lớn cho đất nước, do đó nên kêu gọi đầu tư theo dạng PPP – nhà nước và nhân dân cùng làm. Tuy nhiên, cần ban hành luật về đầu tư PPP trước, bởi nếu không có luật thì không thu hút được nhà đầu tư”, đại biểu Loan gợi mở.

Đại biểu Loan cũng lưu ý đến vấn đề hướng tuyến và quy hoạch. Theo đại biểu Loan, để thực hiện dự án, trước tiên cần có quy hoạch tổng thể về mạng lưới giao thông, kết hợp với quy hoạch của các khu phụ trợ như liên hoàn với các khu công nghiệp, đô thị, dân cư… khác. Đồng thời, địa hình nước ta có đường bờ biển dài, nên bám theo hướng tuyến về phía biển và dễ cho GPMB.


Các đại biểu đoàn Hà Nội cho ý kiến về dự án - Ảnh: Viết Thành


Đại biểu Đặng Văn Khanh tán thành 3 đề nghị của UBKHCNMT với QH về dự án này. Đại biểu Khanh cho rằng, tuyến đường sắt cũ làm cả 2 chức năng vận tải hành khách và hàng hóa, với thiết kế rộng hơn 1m thì không thể đáp ứng nhu cầu, do đó việc mở rộng tuyến và xây đường sắt cao tốc là cần thiết. Nhưng ông cũng băn khoăn là ngốn vốn cho dự án quá lớn, thời gian kéo dài, việc thu hồi vốn mất tới 45 năm sau…

“Đây là tuyến đường sắt cao tốc vận chuyển hành khách nên cần tính toán tuyến nào có cầu lớn. Hiện tuyến đông là từ Hà Nội-Vinh – Thanh Hóa và TP.Hồ Chí Minh-Nha Trang. Đà Nẵng, Tây Nguyên đều đã có sân bay, nên lượng hành khách miền trung giữa Vinh-Đà Nẵng-Nha Trang không phải là nhiều. Việc phân kỳ đầu tư, từ nay đến 2020 triển khai dự án đoạn Hà Nội-Vinh, TP.Hồ Chí Minh-Nha Trang là hợp lý. Tuyến Vinh-Nha Trang có thể tùy thuộc vào sự phát triển đất nước mà quyết định tiếp”, ông Khanh đề nghị.

Không phủ nhận sự cần thiết của dự án, đại biểu Nguyễn Ngọc Đào cho rằng, dự án này nên được tính toán theo kiểu dự liệu, cho tương lai lâu dài chứ không phải nhìn thực tế.

“Nếu đầu tư cho tương lai thì không thể tính ngay lãi hay không lãi, nhưng nhìn về tương lai, chắc chắn chúng ta không thể không thu hồi vốn, vấn đề là lâu hay nhanh mà thôi”, đại biểu này nói.

Đại biểu Đào đồng ý về mặt chủ trương, ủng hộ làm trước 2 tuyến Hà Nội-Vinh, TP.Hồ Chí Minh-Nha Trang và giao Chính phủ lựa chọn công nghệ, đối tác đầu tư, báo cáo QH tại kỳ họp tới.

Đại biểu Hà Văn Hiền cũng tán thành với quan điểm kỳ họp này nên thông qua chủ trương đầu tư dự án trước. Vì đây mới chỉ là báo cáo tiền khả thi, nên rất khó có thể giải đáp được những câu hỏi mà nhiều đại biểu băn khoăn. Vì vậy, nên có chủ trương trước, tiếp đó Chính phủ sẽ hoàn thành báo cáo khả thi, dựa vào đó mới có cơ sở để QH thông qua.

Ông Hiền cũng lưu ý về 2 điểm cần làm rõ trong dự án, đó là quy hoạch tổng thể chung về nhu cầu vận chuyển hành khách, cơ cấu hành khách của từng loại hình phương tiện giao thông. Theo đại biểu Hiền, có làm rõ các yếu tố này thì mới định lượng được nhu cầu với hình thức giao thông mới.

Về nguồn vốn, ông Hiền cũng bày tỏ băn khoăn khi cho biết, từ nay đến 2020, mỗi năm nước ta cần hơn 8 tỷ USD huy động cho giao thông, vậy nếu làm dự án này thì có đảm bảo đủ nguồn vốn hay không?

Tại tổ TP. Hồ Chí Minh, đại biểu Trần Du Lịch cũng tán thành cao việc đầu tư cho đường sắt là cần thiết. Hiện đây đang là phương tiện chủ lực cho giao thông Bắc- Nam. Đáng ra chúng ta phải đầu tư cho ngành đường sắt nhiều hơn và sớm hơn.

Về vốn đầu tư dự án, theo đại biểu Lịch, nếu lấy 55 tỷ USD so với GDP thì thấy “ngán”. Tuy nhiên, không thể đơn thuần tính hiệu quả tài chính như vậy, bởi tác động lan tỏa của giao thông là rất lớn, nó tác động đến du lịch, phát triển đô thị... Do đó, đại biểu Lịch nhất trí đề nghị Quốc hội nên cho chủ trương về dự án, làm trước hai đoạn Hà Nội- Vinh, TP Hồ Chí Minh- Nha Trang.

“Có chủ trương thì Chính phủ xây dựng đề án, không đẩy bôi chi ngân sách quá lớn”, ông Lịch nói.

Đại biểu Đặng Ngọc Tùng cũng nhất trí đầu tư dự án, nhưng kiến nghị dự án nếu được triển khai thì phải làm theo kiểu cuốn chiếu, xong dứt điểm từng đoạn, tránh để thời gian cách đoạn kéo dài.

“Ai cũng mong đi lại thuận lợi. Làm sao đến năm 2020 phải xong hai đoạn Hà Nội- Vinh và TP Hồ Chí Minh- Nha Trang, có thể đẩy nhanh hơn các đoạn ngắn theo kiểu cuốn chiếu như xong trước đoạn TP Hồ Chí Minh- Phan Thiết… cố gắng rút ngắn đến năm 2030 hoàn thành toàn tuyến”, đại biểu Tùng nói.

Vân An