Nâng cao dân trí

Chính trị - Ngày đăng : 07:08, 21/05/2010

(HNM) - Nhờ chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, đời sống của đồng bào 53 dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm khoảng 14% dân số nước ta đã được cải thiện. Mỗi năm, khu vực này giảm 3-4% số hộ đói nghèo; đời sống tinh thần được nâng cao và ngày càng nhiều con em đồng bào DTTS được đến trường.

Học sinh Trường Dân tộc nội trú Hà Nội tại huyện Ba Vì trước giờ chào cờ đầu tuần. Ảnh: Bá Hoạt


Giảm đói nghèo chưa bền vững
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm, việc Chính phủ triển khai đồng thời 8 chương trình mục tiêu quốc gia (gồm cả Chương trình 135) cùng các chính sách hướng mạnh vào vùng nông thôn, miền núi như hỗ trợ tạo việc làm, tín dụng ưu đãi, chính sách bảo hiểm y tế, trợ giúp xã hội… đã góp phần giảm nghèo nhanh. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm từ 20% đầu năm 2006 xuống còn 11,3% cuối năm 2009, riêng vùng đồng bào DTTS mỗi năm giảm 3-4% hộ nghèo. Bộ mặt nông thôn, miền núi có nhiều khởi sắc, đời sống của người nghèo được cải thiện rõ rệt.

Điều này thấy rõ ở TP Hà Nội, nơi có gần 59.000 người (chiếm 0,9% dân số) thuộc 33 DTTS tập trung tại 13 xã, 1 thôn của 5 huyện. Ngay sau khi Chính phủ ban hành quyết định "Hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn", TP đã nhanh chóng huy động gần 17.000 tỷ đồng, đầu tư xây 188 nhà ở, 267 công trình nước sinh hoạt phân tán và tập trung cho đồng bào. Hiện nay, 1/4 đường giao thông ở khu vực này được trải nhựa, đổ bê tông; 100% xã có trụ sở UBND kiên cố. Từ năm 2004 đến nay, Hà Nội đã đầu tư 136 tỷ đồng xây dựng 1.824 căn nhà đại đoàn kết, xây sửa 416 nhà tình nghĩa, chủ yếu cho đồng bào DTTS.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm, công cuộc XĐGN cho đồng bào DTTS còn rất nhiều thách thức, đó là việc dạy nghề chưa thực sự gắn với nhu cầu; cho vay tín dụng chưa gắn với hỗ trợ, hướng dẫn làm ăn, khuyến nông, kết quả giảm nghèo chưa bền vững… Vì vậy, vẫn còn khoảng cách chênh lệch lớn về mức sống giữa thành thị với các tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hứa Đức Nhị cho biết, trong gần 40 chương trình cấp quốc gia, có 30-35 chương trình đầu tư trực tiếp cho miền núi, hải đảo, vùng sâu, xa. Nhưng hiện tại vẫn còn tới 1.644 xã đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào DTTS cao nhất cả nước, nhiều nơi nguy cơ tái nghèo luôn rình rập. Một số công trình đầu tư ở miền núi hiệu quả thấp, cơ cấu đầu tư thiếu đồng bộ, giáo dục và y tế miền núi cũng chưa đáp ứng được yêu cầu. Ngay tại Hà Nội vẫn còn 8/13 xã vùng dân tộc, miền núi khó khăn cần được đầu tư hơn nữa; tỷ lệ hộ nghèo bình quân khu vực này chiếm trên 20%.

Đầu tư vào con người

Nguyên nhân cản trở công cuộc XĐGN, theo Thứ trưởng Hứa Đức Nhị do điều kiện tự nhiên không thuận lợi, khí hậu khắc nghiệt, địa hình phức tạp. Một nguyên nhân khác là do trình độ dân trí của người nghèo thấp, không nắm được kỹ thuật sản xuất, cách chi tiêu, phân bổ đồng vốn một cách hợp lý. Không ít gia đình được vay vốn với lãi suất ưu đãi, nhưng không biết đầu tư vào sản xuất, kinh doanh nên cuối cùng nghèo vẫn hoàn nghèo.

Muốn phát triển kinh tế - xã hội, XĐGN thành công cho đồng bào DTTS, Thứ trưởng Hứa Đức Nhị cho rằng, trước hết phải tiếp tục thực hiện và phát huy hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo. Chính phủ và các địa phương cần tiếp tục ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh; hỗ trợ về sinh kế cho hộ nghèo thông qua trợ giúp các điều kiện và dịch vụ sản xuất, đào tạo nghề để tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo. Nhưng quan trọng hơn cả là phải nâng cao trình độ dân trí, coi đây là điều kiện để XĐGN bền vững. Ngoài việc chú trọng trang bị kiến thức văn hóa cho đồng bào, các địa phương cần xã hội hóa việc tổ chức dạy nghề, tăng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho cơ sở đào tạo nghề, thu hút giáo viên và xây dựng cơ cấu nghề trên nền quy hoạch vùng sản xuất để sau khi học xong, người học tìm được việc làm ngay. Ngoài ra, cần chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ địa phương; duy trì việc luân chuyển, điều động cán bộ, cử cán bộ có trình độ về công tác tại địa bàn gắn với đẩy mạnh tuyên truyền để mỗi người dân có ý thức vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho rằng, cần tiếp tục thực hiện các chính sách hiện hành nhưng có điều chỉnh như chính sách hỗ trợ lao động nghèo, người thất nghiệp và thiếu việc làm; thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, trong đó ưu tiên đồng bào DTTS. Hiện tại, Bộ LĐ-TB&XH đã tham mưu trình Chính phủ một đề án dạy nghề cho nông dân, với mục tiêu mỗi năm có 1 triệu người được học nghề, đào tạo nghề để có thể chuyển sang làm việc ở lĩnh vực phi nông nghiệp. Bên cạnh đó, các bộ, ngành cần tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành những chương trình phát triển kinh tế - xã hội tổng hợp, đồng bộ, phát huy được hiệu quả, thành tựu, ưu điểm và khắc phục được những hạn chế của các chương trình hiện có, tránh sự trùng lặp, thiếu gắn kết giữa các chương trình để có thể thu hẹp nhanh khoảng cách giữa miền núi và miền xuôi.

Lê Hoàn