Yêu cầu ngừng tiêu hủy sữa để điều tra
Xã hội - Ngày đăng : 06:44, 21/05/2010
Bác sĩ Huỳnh Tấn Cúc, Phó Trưởng phòng Thanh tra của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Bình Dương cho biết, ngày 11-5, Chi cục mới nhận được văn bản của Công ty FrieslandCampina Việt Nam mời giám sát về việc toàn bộ lô hàng sữa thu hồi sẽ được tiêu hủy bắt đầu từ ngày 10-5-2010 bởi Xí nghiệp Xử lý chất thải thuộc Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước - Môi trường Bình Dương.
Ông Huỳnh Tấn Cúc cho biết, trong đợt tiêu hủy 15.500 tấn sữa, Chi cục chỉ giám sát đúng một ngày 18-5 với số lượng khoảng 700 tấn. Việc xử lý số sữa bị thu hồi đúng theo quy trình tiêu hủy, thu gom, vận chuyển như hợp đồng vào ngày hôm đó. Còn những ngày khác, do Chi cục không được thông báo mời giám sát nên không biết xí nghiệp xử lý chất thải có tiêu hủy hay không.
Cũng trong ngày 20-5, Chi cục ATVSTP đã có công văn yêu cầu Công ty FrieslandCampina Việt Nam ngừng ngay việc tiêu hủy sữa để các ngành chức năng vào cuộc làm rõ trắng đen vụ 5.000 tấn sữa chưa xử lý lọt ra bãi rác. Chiều cùng ngày, Phòng Cảnh sát Môi trường PC36 - Công an Bình Dương đã mời các đơn vị liên quan để lấy lời khai và mở rộng điều tra vụ việc.
Như tin đã đưa, ngày 19-5, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm môi trường (C36 - Bộ Công an) phối hợp với Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm môi trường Công an tỉnh Bình Dương đã kiểm tra việc chấp hành pháp luật về môi trường tại Xí nghiệp Xử lý chất thải Nam Bình Dương, phát hiện đơn vị này chôn lấp trái phép gần 5.000 tấn sữa.
Ông Jan Wegennaar, đại diện Công ty FrieslandCampina Việt Nam khẳng định: Tháng 10-2009, loại sữa trên khi đưa ra thị trường đã có một số trường hợp khách hàng bị dị ứng. Để bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng, công ty đã chủ động cho thu hồi toàn bộ số sữa trên và ký hợp đồng với Xí nghiệp Xử lý chất thải để tiêu hủy. Quy trình xử lý được thể hiện rõ trong hợp đồng. Cụ thể, đơn vị xử lý dùng xe ép chuyên dụng để ép hộp sữa, phá mẫu sữa ngay tại kho của công ty. Dung dịch sữa được chứa trong bồn để chở về Khu Liên hiệp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương xử lý. Còn chất thải rắn (vỏ hộp sữa, thùng, ống hút, màng co) bao bì cũng sẽ được đưa về khu liên hiệp để đốt. Như vậy, phía Nam Bình Dương đã vi phạm cam kết.