Nhiều năm khát nước sạch

Bạn đọc - Ngày đăng : 06:41, 21/05/2010

(HNM) - Phản ánh với Báo Hànộimới, người dân tổ 16, ngõ 219, đường Lĩnh Nam, phường Vĩnh Hưng (Hoàng Mai) bức xúc: "Năm 2007, các hộ gia đình sinh sống ở đây đã đóng góp tiền lắp đặt đồng hồ nước, nhưng chỉ được vài tháng đầu có nước sạch sinh hoạt, sau đó lúc có, lúc không. Thậm chí, suốt cả năm 2009, người dân không được dùng một giọt nào từ trạm cấp nước Vĩnh Hưng, không biết tình trạng này kéo dài đến bao giờ, nhất là khi mùa nắng nóng đã đến…?".

Người dân phường Vĩnh Hưng mỏi mòn chờ nước.

Qua tìm hiểu được biết, năm 2003, khi phường Vĩnh Hưng còn thuộc địa giới hành chính huyện Thanh Trì đã được đầu tư kinh phí lắp đặt trạm bơm mi ni, có công suất 100m3 nước/giờ để cấp nước sinh hoạt cho dân. Với công suất như vậy, trạm bơm này có thể cấp đủ nước sinh hoạt cho khoảng 12 ngàn dân và hơn 40 cơ quan, xí nghiệp đóng trên địa bàn. Ngay sau khi đi vào hoạt động (năm 2005), UBND huyện Thanh Trì (nay là quận Hoàng Mai) đã bàn giao trạm bơm cho UBND phường Vĩnh Hưng quản lý. Theo người dân đang sinh sống ở đây, từ khi chính quyền địa phương cho lắp đặt hệ thống dẫn nước và đồng hồ đo đến các hộ gia đình, tình trạng không có nước sạch xảy ra thường xuyên. Trước Tết Canh Dần - 2010, trạm mới bơm nước vào hệ thống, đến từng hộ gia đình, đủ cho người dân ăn tết và hết tháng Giêng lại cắt. Ông Mai Thanh Bình ở số nhà 29, tổ 16 ngán ngẩm: "Cứ thế này, chắc người dân chúng tôi tiếp tục phải đối mặt với cái khát trong mùa hè…". Để có nước sinh hoạt hằng ngày, nhiều người ở phường Vĩnh Hưng phải mua nước giếng khoan, với giá hơn 100.000 đồng/tháng; còn nước sạch để uống, nấu ăn thì các hộ gia đình phải mua nước đóng chai, trong khi trạm bơm nước vẫn hoạt động. Quá bức xúc, không ít lần người dân đã gọi điện đến trạm bơm hỏi lý do và đều nhận được câu trả lời chung chung: "Tình trạng mất nước còn lâu, còn dài...". Không hài lòng, người dân đã trực tiếp gặp lãnh đạo trạm bơm thì được biết nguyên nhân ngừng cấp là do tiền nước trong tháng Tết Nguyên đán bị thất thoát hơn 400 triệu đồng, đến nay vẫn chưa thu được, nên chưa thể cấp nước.

Về vấn đề này, ông Dương Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Hưng lý giải: Khi đi vào hoạt động, trạm cũng chỉ đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân. Hiện tại, dân số trên địa bàn phường đã tăng lên gấp 3 lần so với năm 2003 (khoảng 33 ngàn dân). Ngoài sự gia tăng dân số, tốc độ đô thị hóa cũng rất nhanh, trong quá trình xây dựng, nhiều gia đình đã nối thêm đường ống vào hệ thống cấp nước của trạm, ảnh hưởng không nhỏ đến thiết kế ban đầu. Hơn nữa, khi trạm bơm nước vào hệ thống, các hộ dân phía đầu nguồn đã dùng máy bơm hút chân không để hút, làm cho nguồn nước không thể đến được các hộ ở cuối nguồn, dẫn đến các hộ gia đình thường xuyên không có nước sạch. Ông Dương Văn Hòa cho biết: Tháng 7-2009, UBND quận Hoàng Mai có bổ sung dự án cấp nước giai đoạn 2, phường Vĩnh Hưng được đấu 2 đầu nối vào hệ thống dẫn nước sông Đà. Quá trình vận hành, áp lực của nguồn nước sông Đà quá mạnh đã phá vỡ một số đầu nối của hệ thống cũ, làm rò rỉ, dẫn đến nguồn nước bị thất thoát rất lớn. Ngày 20-1-2010, UBND thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 345 phê duyệt dự án Đầu tư xây dựng và lắp đặt đồng hồ cho 6 phường thuộc quận Hoàng Mai, với tổng kinh phí lên tới 55 tỷ đồng, trong đó có phường Vĩnh Hưng. Khi dự án đi vào hoạt động sẽ đáp ứng đủ 100% nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân trên địa bàn.

Tuy nhiên, để sớm ổn định cuộc sống của người dân, đề nghị UBND phường Vĩnh Hưng chỉ đạo trạm bơm nước nhanh chóng sửa chữa các đường ống bị hư hỏng và có biện pháp điều phối nguồn nước phù hợp, sao cho người dân nào cũng có nước sinh hoạt trong mùa hè.

Nguyên Hà