Nghiên cứu về Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa VN và các nước thuộc khối EFTA

Kinh tế - Ngày đăng : 12:43, 20/05/2010

(HNMO) – Tin từ Bộ Công Thương cho biết, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tại Thụy Sĩ (diễn ra từ ngày 16-19/5), Việt Nam đã cùng 4 nước thành viên khối EFTA là Iceland, Liechtenstein, Na-uy và Thụy Sĩ tổ chức lễ ký kết văn bản khởi động Nhóm nghiên cứu khả thi chung về Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và các nước thuộc khối Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA).

(HNMO) – Tin từ Bộ Công Thương cho biết, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tại Thụy Sĩ (diễn ra từ ngày 16-19/5), Việt Nam đã cùng 4 nước thành viên khối EFTA là Iceland, Liechtenstein, Na-uy và Thụy Sĩ tổ chức lễ ký kết văn bản khởi động Nhóm nghiên cứu khả thi chung về Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và các nước thuộc khối Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA).

Để thực hiện thỏa thuận trước đó giữa lãnh đạo các nước thuộc khối EFTA với Việt Nam, tại trụ sở của khối EFTA ở Geneva, đại diện cho Bộ Công Thương - Thứ trưởng Nguyễn Nam Hải - đã cùng Đại sứ 4 nước thành viên EFTA ký kết Tuyên bố chung, chính thức khởi động Nhóm nghiên cứu khả thi chung giữa hai bên kèm theo văn bản đề ra các nguyên tắc hoạt động cho Nhóm nghiên cứu này. Dự kiến Nhóm nghiên cứu sẽ hoạt động trong khoảng 1 năm với nhiệm vụ tìm hiểu về khả năng hai bên tiến hành đàm phán Hiệp định FTA. Ngay sau khi hoàn thành, các kết quả nghiên cứu sẽ được Nhóm báo cáo lên các cấp có thẩm quyền để quyết định về việc đàm phán Hiệp định FTA giữa Việt Nam với khối EFTA.

Trong những năm qua, quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và các nước thuộc khối EFTA đã có những bước phát triển vững chắc. Đặc biệt,quan hệ về kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và các nước thành viên khối EFTA đã liên tục tăng trưởng ổn định, cho thấy nền kinh tế các nước thành viên EFTA và Việt Nam có nhiều điểm bổ trợ cho nhau. Chính vì vậy, Chính phủ Việt Nam và các nước EFTA đã tích cực trao đổi và làm việc nhằm nghiên cứu khả năng ký kết hiệp định FTA giữa Việt Nam với khối EFTA để có thể tạo lập hành lang pháp lý cần thiết, tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp hai bên khơi thông dòng chảy đầu tư và thương mại.

* Bên cạnh đó, nhân chuyến thăm Thụy Sĩ của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, một Hội nghị Bàn tròn Doanh Nghiệp đã được tổ chức bởi Đại Sứ Quán Việt Nam tại Thụy Sĩ, Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI) và Phòng Thương Mại và Công nghiệp Thụy Sĩ-Châu Á.

Chủ tịch nước đã tham dự Hội nghị cùng với sự tham dự của nhiều quan chức cấp cao của Chính phủ.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh: Việt Nam đã có nền kinh tế đa dạng nhiều ngành nghề, nhu cầu trong nước tăng trưởng vững, hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi cho vận chuyển đường biển và đường không, nguồn nhân lực trẻ và cần cù, cơ sở hạ tầng có những cải thiện đáng kể và nhiều ngành công nghiệp hỗ trợ. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới phục hồi sau giai đoạn khủng hoảng, Việt Nam đã đạt được sự tăng trưởng GDP là 5,2% trong năm 2009, tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các nước khối ASEAN. Tất cả những điều này đã làm Việt Nam trở thành một địa điểm cuốn hút các nhà đầu tư.

Tại hội nghị, ông Frits Van Dijk – Phó Chủ tịch Điều hành Khu vực Châu Á, Châu Đại Dương, Châu Phi của Nestlé đã tái khẳng định sự tin tưởng của Nestlé vào sự phát triển cũng như cơhội đầu tư tại thị trường Việt Nam: “Chúng tôi duy trì việc đầu tư dài hạn tại Việt Nam. Chúng tôi đã đầu tư 75.000.000 đô la Mỹ vào Việt Nam kể từnăm 1993 và hiện đang vận hành 3 nhà máy cùng với hơn 1.400 nhân viên trên toàn quốc. Hiện tại, chúng tôi đã lên kế hoạch đầu tư thêm trong những năm sắp tới và chúng tôi sẽ sớm công bố quyết định này”. Tại thị trường Việt Nam, Nestlé đang sản xuất nhiều sản phẩm nổi tiếng như cà phê hòa tan NESCAFÉ, nước khoáng LA VIE, sữa MILO, hạt nêm và nước tương MAGGI, sữa bột LACTOGEN, NAN và bột ngũ cốc CERELAC.

“Một công ty muốn thành công trong dài hạn thì phải đồng thời tạo ra các giá trị cho các cổ đông và cho xã hội nói chung. Đó chính là cách thức chúng tôi tiến hành hoạt động kinh doanh mà chúng tôi gọi là chia sẻ các giá trị chung” – Ông Frits van Dijk cho biết thêm.Chẳng hạn, Nestlé đã đồng hành cùng với Bộ Giáo dục Đào tạo Việt Nam để tổ chức Hội Khỏe Phù Đổng, khuyến khích các hoạt động thể chất trong lứa tuổi học sinh. Những sáng kiến và dự án mới đã được lập ra để giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng và dinh dưỡng bất hợp lý tại Việt Nam thông qua việc cung cấp các sản phẩm dinh dưỡng tốt cho sức khỏe với mức giá hợp lý.

Từ năm 1999, Nestlé đã phối hợp cùng Chính phủ Việt Nam để nâng cao năng suất cà phê bằng các trợ giúp về mặt kỹ thuật cho các nông dân trồng cà phê. Khi nông dân trở thành nhà cung cấp cà phê với sản lượng cao hơn, Nestlé cũng đóng góp vào sự thịnh vượng của cộng đồng địa phương.Nestlé đã tổ chức thu mua một phần quan trọng của tổng sản lượng cà phê Việt Nam và hàng ngàn người đã có được thu nhập từ chuỗi cung ứng của Nestlé.

Phát biểu tại Hội nghị Bàn tròn với Doanh nghiệp, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã nhấn mạnh rằng Việt Nam đang nhanh chóng trở thành một trung tâm chế biến thực phẩm và đóng gói nhờ sự tăng trưởng vững chắc của nhu cầu về những sản phẩm thực phẩm chất lượng cao.Ngành chế biến thực phẩm và đóng gói là một trong những ngành tăng trưởng nhanh của nền kinh tế Việt Nam và đóng vai trò ngày càng quan trọng khi mức tăng trưởng hàng năm đạt khoảng 20 – 30%.

Lan Hương