Đáp ứng yêu cầu đô thị hóa
Kinh tế - Ngày đăng : 06:36, 20/05/2010
Việc hệ thống chính quyền các đô thị chưa đủ năng lực quản lý, kiểm soát có hiệu quả tiến trình đô thị hóa (ĐTH) là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những tồn tại, bất cập tại các đô thị hiện nay .
Việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ quản lý đô thị là đòi hỏi cấp bách hiện nay. Ảnh: Đàm Duy |
Quản lý đô thị chưa theo kịp sự phát triển
Theo khảo sát, điều tra của Bộ Xây dựng trong năm 2009, chỉ có 36% cán bộ lãnh đạo, cán bộ chuyên môn quản lý công tác xây dựng của các thành phố, thị xã thuộc tỉnh, 28% chủ tịch, phó chủ tịch và 27% công chức địa chính - xây dựng cấp phường, thị trấn đã qua đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý xây dựng và phát triển đô thị. Trong khi đó, cùng với việc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng GDP, công nghiệp hóa (CNH), hiện đại hóa (HĐH) và sự phát triển kinh tế - xã hội chung, tỷ lệ ĐTH của cả nước đã tăng từ 24% lên 30%. Tính từ năm 1998 đến nay, số đô thị đã tăng từ 635 lên 754 đô thị các loại, trong đó có 2 đô thị loại đặc biệt. Ở các đô thị, kết cấu hạ tầng kỹ thuật giao thông liên lạc, nhà đất, khu đô thị mới, khu công nghiệp tập trung, các công trình văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe ngày càng mở rộng và hiện đại hóa trên quy mô lớn. Thực trạng thiếu cán bộ được đào tạo kiến thức, năng lực chuyên môn chưa đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh tốc độ ĐTH nhanh đã làm hạn chế hiệu quả quản lý, điều hành, tổ chức triển khai quản lý xây dựng và phát triển đô thị của chính quyền đô thị các cấp. Trên thực tế, có thể thấy ở hầu hết các đô thị hiện nay, chất lượng phát triển và năng lực cạnh tranh chưa cao; chất lượng, sự đồng bộ của hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội khập khiễng với sự tăng trưởng kinh tế, mở rộng quy mô đô thị. Nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật hạn chế, trong khi chủ trương xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong xã hội lại không được phát huy. Đặc biệt, công tác quản lý xây dựng và đô thị chưa theo kịp sự phát triển của quá trình ĐTH trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước mà biểu hiện rõ nhất là tình trạng đô thị không có quy hoạch chi tiết; xây dựng trái phép, sai phép...
Sẽ có 17.500 cán bộ tham dự các khóa đào tạo về chuyên môn
Bộ Xây dựng đã lập đề án nâng cao năng lực quản lý xây dựng và phát triển đô thị đối với công chức lãnh đạo đô thị các cấp giai đoạn năm 2010-2015. Theo đề án này, từ nay đến năm 2015, ước tính sẽ có khoảng 17.500 cán bộ tham dự các khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, bảo đảm 100% công chức lãnh đạo đương nhiệm, công chức trong diện quy hoạch lãnh đạo đô thị từ loại 5 trở lên, công chức lãnh đạo, chuyên môn các cơ quan tham mưu giúp UBND các cấp được bổ sung, cập nhật kiến thức về quản lý xây dựng và phát triển đô thị. Trong đó, đối tượng chủ tịch, phó chủ tịch UBND phụ trách lĩnh vực quản lý xây dựng và phát triển đô thị là 10.900 người; công chức lãnh đạo, chuyên môn giúp việc UBND đô thị các cấp quản lý về xây dựng và phát triển đô thị là 6.600 người.
Theo Bộ Xây dựng, lãnh đạo, cán bộ chuyên môn đô thị các cấp sẽ được trang bị kiến thức cơ bản, một số kỹ năng lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và thực thi các nhiệm vụ quản lý các lĩnh vực quy hoạch xây dựng đô thị; đầu tư, quản lý, khai thác, sử dụng kết cấu hạ tầng đô thị; quản lý phát triển và sử dụng đất đô thị; quản lý tài chính đô thị; quản lý môi trường, kiến trúc - cảnh quan đô thị; kiểm soát phát triển đô thị. Đặc biệt, các cán bộ quản lý đô thị còn được đào tạo kiến thức một số vấn đề đang "nóng" hiện nay là thiết kế đô thị và bảo tồn di sản đô thị; phát triển nhà ở và thị trường bất động sản; tình hình và xu hướng tài chính, chính sách điều tiết và giải pháp ứng phó; những vấn đề về vốn, chính sách, giải pháp huy động vốn cho xây dựng phát triển đô thị. Các chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cũng phải tham gia chương trình đào tạo, bồi dưỡng (5 ngày), gồm các nội dung chủ yếu: ĐTH và định hướng phát triển đô thị quốc gia; định hướng về xây dựng và phát triển hạ tầng kỹ thuật - môi trường đô thị và giải pháp thực hiện; quản lý nhà và thị trường bất động sản; biến đổi khí hậu đối với phát triển đô thị nâng cao sức cạnh tranh của đô thị; quản lý và phát triển đô thị gắn với bảo tồn di sản; trao đổi kinh nghiệm thực tiễn về quản lý xây dựng và phát triển đô thị (kinh nghiệm trong nước và nước ngoài).