Tháo được “ngòi nổ”?

Thế giới - Ngày đăng : 06:34, 20/05/2010

(HNM) - Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran đang lâm vào bế tắc, chuyến thăm của đoàn đại biểu Brazil gồm 300 thành viên do Tổng thống L.Silva dẫn đầu tới Tehran (từ ngày 16 đến 17-5) để dự Hội nghị thượng đỉnh hạt nhân là cơ hội cuối cùng để Iran tránh các biện pháp trừng phạt mới của Liên hợp quốc.

Đại diện 3 nước Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran ký kết thỏa thuận vận chuyển nguyên liệu hạt nhân.


Trước chuyến thăm, Tổng thống L.Silva bày tỏ hy vọng có thể thuyết phục Tổng thống Iran Ahmadinejad đạt được một thỏa thuận nhằm tháo "ngòi nổ" trừng phạt từ phương Tây và người đứng đầu sứ xở của vũ điệu Samba đã làm được điều này. Sự kiện 3 ngoại trưởng, đại diện cho Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil ký thỏa thuận (ngày 17-5) vận chuyển urani làm giàu cấp độ thấp của Iran tới Thổ Nhĩ Kỳ để đổi lấy nhiên liệu hạt nhân dùng cho các lò phản ứng của Iran đã giảm bớt "sức nóng" đang tăng tại vùng Vịnh.

Thỏa thuận được ký sau cuộc hội đàm ba bên gồm Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad, Tổng thống Brazil Lula da Silva và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tại Tehran. Theo đó, trong thời gian sớm nhất, Iran sẽ chính thức thông báo thỏa thuận vừa ký tới Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), để IAEA thông báo cho Mỹ, Pháp và Nga và nếu 3 cường quốc này chấp thuận, trong một tháng, Iran sẽ chuyển tới Thổ Nhĩ Kỳ 1.200kg urani làm giàu cấp độ 3,5%, tương đương hơn một nửa số urani làm giàu ở cấp độ thấp của Iran. Số urani này sẽ được bảo quản tại Thổ Nhĩ Kỳ và do Iran cùng IAEA giám sát, quản lý. Đổi lại, các nước Mỹ, Pháp và Anh sẽ cung cấp 120kg nhiên liệu làm giàu ở cấp độ 20% cho một lò phản ứng hạt nhân ở Iran trong thời gian chưa đầy một năm. Phát biểu với báo giới tại Tehran, ngày 17-5, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cho rằng, với thỏa thuận này, một lệnh trừng phạt mới chống Iran là không cần thiết. Cùng ngày, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đang công cán ở nước ngoài đã lên tiếng hoan nghênh bước đi trên.

Sự kiện trên đã giúp mở toang cánh cửa vận chuyển urani ra ngoài lãnh thổ Iran vốn bị chính quốc gia này khóa chặt trước đòi hỏi từ phương Tây. Trong cả năm 2009 và những tháng đầu năm 2010 này, chính sách "cây gậy và củ cà rốt" của phương Tây đòi Iran chuyển phần lớn lượng urani đã làm giàu cấp độ thấp hiện có sang Nga và Pháp để xử lý, sau đó chuyển trở lại Iran để sử dụng trong lò phản ứng nghiên cứu phục vụ y tế ở Tehran… đã bị Iran khước từ. Trước áp lực ngày một tăng trên cả phương diện ngoại giao lẫn quân sự, Iran đã mở cuộc tập trận lớn mang tên "Nhà tiên tri vĩ đại 5" (4-2010), tại Vịnh Persian và eo biển chiến lược Hormuz nhằm gửi đi thông điệp rằng, bất cứ hành động tấn công nào nhằm vào Iran là "đùa với lửa".

Tuy nhiên, kết quả vừa đạt được vẫn chưa đủ để phương Tây hết hoài nghi về chương trình hạt nhân của Iran. Ngay lập tức, cùng ngày 17-5, Mỹ tuyên bố sẽ vẫn đẩy tới các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn với Iran. Người phát ngôn Nhà Trắng Robert Gibbs cho rằng, kể cả khi thỏa thuận trao đổi mới được thực thi, Washington vẫn lo ngại về chương trình hạt nhân của Tehran. Trong khi đó, quan chức phụ trách các vấn đề đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Catherine Ashton đã bày tỏ quan điểm, thỏa thuận trao đổi hạt nhân vừa đạt được chỉ đáp ứng phần nào các yêu cầu của IAEA. Và rằng, đây chưa phải là nỗ lực để giải quyết vấn đề ưu tiên hiện nay, mà phương Tây muốn thảo luận chính thức với Iran về khả năng nước này sản xuất vũ khí hạt nhân. Bộ Ngoại giao Anh cảnh báo rằng, hành động của Iran vẫn gây lo ngại nghiêm trọng, đặc biệt việc Tehran từ chối gặp các nước phương Tây để thảo luận về chương trình hạt nhân hay hợp tác đầy đủ với IAEA... Nhiều nhà ngoại giao gần với IAEA cũng nhận định thỏa thuận Iran - Thổ Nhĩ Kỳ - Brazil không thể ngay lập tức giúp Iran tháo "ngòi nổ" trừng phạt mới đang dần ngắn lại của Liên hợp quốc.

Sức ép vẫn không giảm trước cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Iran và thành công sau cuộc gặp 3 bên vừa qua tại Tehran chỉ là bước đầu. Chưa có dấu hiệu nào cho thấy các mối nối của phương Tây đang siết chặt quanh vùng Vịnh đầy nóng bỏng được nới lỏng sau sự kiện vừa qua.

Trung Hiếu