Quyết liệt, nghiêm túc ngay từ ngày đầu
Đời sống - Ngày đăng : 06:15, 20/05/2010
* Hơn 30.000 tờ rơi được phát hành
* Sắp xếp 45 điểm dừng đỗ taxi
* Thành lập tại mỗi quận, huyện 2 tổ công tác chuyên đề
(HNM) - Ngày 20-5, Nghị định 34/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ chính thức có hiệu lực. Hôm qua, 19-5, liên ngành CATP-GTVT đã tổ chức hội nghị công bố kế hoạch triển khai.
Tại hội nghị, bên cạnh yêu cầu tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho các lực lượng chức năng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi, Trưởng ban Chỉ đạo 197 TP, chỉ đạo phải xử lý nghiêm các sai phạm ngay từ những ngày đầu tiên.
Lực lượng CSGT (CATP) lập biên bản xử phạt một trường hợp vi phạm luật giao thông trên tuyến đường Trường Chinh. Ảnh: Khánh Nguyên |
Đã hoàn tất công tác chuẩn bị
Theo Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng, mọi công tác chuẩn bị nhằm đưa Nghị định 34/NĐ-CP vào cuộc sống đã cơ bản hoàn tất. Các sở, ngành chức năng và quận, huyện đã hoàn thành xây dựng các cụm panô, băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền tại các tuyến đường vành đai, đường xuyên tâm, khu vực công cộng về những nội dung chính của nghị định. Hơn 30.000 tờ rơi tuyên truyền, cổ động đã được in ấn, phát hành. Ngành đã tổ chức duy tu, duy trì hạ tầng giao thông, bổ sung biển báo hiệu đường bộ, biển chỉ dẫn, vạch kẻ đường. Đến 18h ngày 19-5, liên ngành đã hoàn thành việc cắm biển hướng dẫn giao thông tại khu vực nội thành và tuyến đường Phạm Hùng, An Dương Vương, Hoàng Quốc Việt, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Trãi (là những tuyến đường đan xen giữa quận và huyện đã được HĐND TP đặt tên) để áp dụng mức xử phạt nặng theo quy định mới. Ngành đã rà soát, sắp xếp 45 điểm dừng, đỗ cho xe taxi ở một số trung tâm thương mại, khách sạn, nơi công cộng, khu dân cư. Trong thời gian tới, liên ngành tiếp tục duy trì công tác hướng dẫn giao thông, phân luồng chống ùn tắc tại các tuyến đường và 46 nút thường xảy ra ùn tắc.
Ông Thạch Như Sỹ, Chánh Thanh tra Sở GTVT cho biết: Những nhóm hành vi sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt tăng nặng ở khu vực nội thành là không chấp hành biển báo, vạch kẻ đường, người hướng dẫn giao thông; sử dụng phương tiện không đúng chủng loại, tự chế, hết niên hạn sử dụng; chạy quá tốc độ, uống rượu, bia mà điều khiển phương tiện, đỗ xe không đúng quy định. Ngoài lực lượng CSGT, CSTT, công an các quận, huyện, thị xã, thanh tra GTVT… liên ngành còn tập huấn cho các doanh nghiệp, chủ phương tiện và lái xe taxi, xe khách liên tỉnh, xe vận tải hàng hóa, vật liệu xây dựng, đất thải…
Xử lý nghiêm ngay từ ngày đầu
Ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, vừa qua, lực lượng chức năng đã được bổ sung 2 xe cẩu kéo chuyên dùng cùng nhiều trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác kiểm tra và cưỡng chế vi phạm. Còn theo Trung tá Trần Ngọc Anh, Đội trưởng Đội tham mưu Phòng CSGT, để ngăn ngừa hiện tượng chống người thi hành công vụ, lực lượng công an đã được trang bị nhiều công cụ hỗ trợ cần thiết. Các tổ tuần tra đều được trang bị máy đo nồng độ cồn nhằm phát hiện, qua đó góp phần hạn chế tình trạng lái xe sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện.
CSGT (CATP) phân luồng, hướng dẫn giao thông trong giờ cao điểm tại nút giao thông ngã năm Cửa Nam. Ảnh: Viết Thành |
Thượng tá Nguyễn Duy Ngọc - Trưởng phòng CSGT Hà Nội cho biết, đơn vị đã giáo dục cán bộ chiến sỹ chấp hành nghiêm quy định, điều lệnh của ngành cũng như các kỹ năng giao tiếp khi làm nhiệm vụ… Điều này sẽ làm giảm đi những bức xúc giữa người vi phạm đối với CSGT, tránh những phản ứng gay gắt từ người vi phạm dẫn đến hành vi chống đối. Ngoài ra, CSGT đã được trang bị những công cụ hỗ trợ như súng bắn đạn hơi cay, dùi cui điện… đồng thời có những quy định cho phép khống chế và trấn áp đối tượng chống người thi hành công vụ hoặc khi phát hiện tội phạm hoạt động. Tại mỗi địa bàn quận, huyện, thị xã sẽ thành lập 2 tổ công tác chuyên đề do CSGT, thanh tra GTVT và cảnh sát 113 làm nòng cốt, ra quân xử lý nghiêm các vi phạm ngay từ những ngày đầu tiên. Ngoài ra còn có 3 tổ công tác liên ngành tham gia kiểm tra, xử lý vi phạm. Lực lượng chức năng sẽ tổ chức tuyên truyền trực tiếp cho đối tượng vi phạm ngay trong quá trình xử lý.
*Người điều khiển ô tô và các loại xe tương tự ô tô dừng xe không sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi hoặc bánh xe gần nhất cách lề đường, hè phố quá 0,25m; điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 5 km/h đến dưới 10 km/h… sẽ bị phạt từ 600.000đ đến 1.000.000đ (mức phạt chung là 100.000-500.000đ); phạt tiền từ 1.000.000đ đến 1.400.000đ (mức phạt chung từ 600.000 đến 800.000đ) đối với người điều khiển vi phạm xe không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định; không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông. Phạt tiền từ 1.400.000đ đến 2.000.000đ đối với người điều khiển dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe trái quy định gây ùn tắc giao thông… |
Thượng tá Trần Sơn, Phó phòng Xử lý điều tra tai nạn (Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt Bộ CA): Góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông Nghị định 34/CP không phải chỉ là tăng mức phạt tiền mà nhằm nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Tại các đô thị lớn, mức phạt tăng hơn nhiều so với các địa phương khác, đặc biệt là tại khu vực nội thành. Với mức phạt tăng người tham gia giao thông sẽ có ý thức hơn, việc tăng mức phạt cũng là một hình thức tuyên truyền hiệu quả nhất. Chúng ta cũng cần nâng cao ý thức đối với người đi bộ để bảo đảm trật tự ATGT. Nhằm tạo điều kiện cho người đi bộ qua đường được an toàn, cần xây dựng những công trình hợp lý, tổ chức giao thông tốt. Người đi bộ cần tuân thủ luật lệ và biết cách bảo vệ mình, đó cũng là thể hiện trách nhiệm với cộng đồng. Những trường hợp vi phạm cần được xử lý nghiêm. Tại những TP lớn đã có camera giám sát, ghi hình, đây là chứng cứ xử phạt đối với người đi bộ nếu họ vi phạm. Dương Hiệpghi |