“Rồng lửa Thăng Long” mừng sinh nhật Bác

Chính trị - Ngày đăng : 05:14, 19/05/2010

(HNM) - Ngày thành lập Sư đoàn Phòng không Hà Nội cũng chính là Ngày sinh của Bác kính yêu - ngày 19-5. Sinh thời Bác đã từng 8 lần về thăm đơn vị, dành nhiều tình cảm cho cán bộ, chiến sĩ phòng không - không quân. Đây chính là nguồn cổ vũ, động viên to lớn để cán bộ, chiến sĩ sư đoàn làm nên huyền thoại

Ra đời đúng Ngày sinh của Bác
Đại tá Nguyễn Viết Xuân, Chính ủy Sư đoàn Phòng không Hà Nội (Đoàn PK B61) cho biết: "Ngay sau khi kết thúc kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác đã căn dặn "Hà Nội chưa có pháo cao xạ như nhà chưa có nóc". Câu nói của Bác cho thấy, Hà Nội cần phải có một lực lượng phòng không hiện đại, để đủ sức chống lại quân xâm lược tấn công bằng đường không, bảo vệ Thủ đô thân yêu". Từ nhận định của Bác, Sư đoàn Phòng không Hà Nội nằm trong đội hình chiến đấu của Quân chủng Phòng không - Không quân ra đời.

Ngay từ khi mới thành lập, đơn vị được xác định là lực lượng nòng cốt trong tác chiến phòng không nhằm đánh bại các cuộc tập kích của không quân Mỹ, bảo vệ Thủ đô Hà Nội. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt, sư đoàn đã vinh dự được 8 lần đón Bác về thăm, động viên, giao nhiệm vụ... Theo Đại tá Nguyễn Viết Xuân: "Vinh dự được thành lập đúng sinh nhật Bác 19-5-1965 cho đến hôm nay, mỗi lời nói, cử chỉ ân cần của Bác dành cho cán bộ, chiến sỹ sư đoàn đã trở thành nguồn sức mạnh tinh thần to lớn để đơn vị vượt qua khó khăn, gian khổ đánh thắng mọi âm mưu, thủ đoạn chiến tranh của không quân Mỹ, xây dựng sư đoàn ngày càng lớn mạnh".

Ngày 25-6-1965, đúng 36 ngày sau khi được thành lập, đơn vị tên lửa c3/e220 đã ra quân đánh thắng trận đầu, bắn rơi 1 chiếc RF 4C trên vùng trời Hòa Bình... Trong những ngày "Thủ đô ta sục sôi đánh Mỹ", Sư đoàn Phòng không Hà Nội góp phần đập tan nhiều cuộc tập kích bằng không quân của đế quốc Mỹ ta miền Bắc, điển hình như trận ngày 19-5-1967 (kỷ niệm 2 năm ngày thành lập và mừng thọ Bác 77 tuổi), các đơn vị của sư đoàn đã bắn rơi 10 máy bay Mỹ. Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, sư đoàn đã bắn rơi 591 máy bay các loại của đế quốc Mỹ, trong đó có 35 chiếc B52 (16 chiếc rơi tại chỗ).

Câu chuyện bên mâm pháo
Đại tá Đinh Thế Văn bồi hồi nhớ lại, năm 1967, khi đế quốc điên cuồng ném bom miền Bắc, Bác xuống tận đơn vị phòng không Tiểu đoàn 77 ngồi quây quần cùng các chiến sỹ giao nhiệm vụ cho những người lính: "Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền, dù chúng có B57, B52 hay "bê" gì đi chăng nữa, từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ, chứ nhiều hơn nữa thì chúng ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng". Lời dạy của Bác đã tiếp thêm sức mạnh cho những người lính. Không chỉ có Tiểu đoàn 77 mà những người lính phòng không Thủ đô luôn mang theo hình ảnh, lời dạy của Bác vào mỗi trận đánh. Ông Đặng Xuân Viện, nguyên cán bộ Sư đoàn Phòng không Hà Nội xúc động kể: Một ngày tháng 7 oi bức, Bác bận "trăm công nghìn việc" vẫn dành thời gian đến sân bay Bạch Mai thăm đơn vị. Khi tập hợp bộ đội để nghe Bác nói chuyện, đồng chí cán bộ để anh em quay về phía mặt trời, như vậy, Bác đứng đối diện sẽ không bị chói nắng. Nào ngờ Bác lại yêu cầu chỉ huy cho bộ đội… "đằng sau quay", thành ra Bác mới là người chịu nắng, còn cán bộ, chiến sĩ thì không.

Chuyện kể xúc động về những lần Bác thăm đơn vị còn rất nhiều. Như khi xuống thăm Đại đội 6 pháo cao xạ trực tiếp bảo vệ cầu Long Biên tại bãi giữa sông Hồng, Bác đã thẳng thắn phê bình cán bộ đại đội đã "đề cao Bác" và yêu cầu dỡ khẩu hiệu chúc mừng Bác xuống để thực hành tiết kiệm. Lần khác, khi chọn buổi trưa nắng gắt đến thăm bộ đội pháo cao xạ, Bác đã ân cần hỏi "các chú đội mũ sắt có nóng không". Biết Bác quan tâm nhưng sợ Người còn lo bao công việc đại sự quốc gia các chiến sỹ đã bảo nhau nói với Bác không hề nóng. Nhưng Bác đã lấy một chiếc mũ và đội thử lên đầu sau đó phê bình anh em đã nói dối Bác. Sau đó, Bác động viên khi trời nóng chỉ huy đơn vị cho phép anh em được đội mũ mềm. Mũ sắt chỉ dùng trong chiến đấu để bảo vệ an toàn cho bộ đội… Ông Đặng Xuân Viện cho biết: "Khi Đảng ta phát động cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" tôi càng thấy con người của Bác thật vĩ đại. Từ điều nhỏ nhất, Bác luôn dành cho mọi người sự quan tâm sâu sắc".

Tự hào với truyền thống, với hình tượng "Rồng lửa Thăng Long", kế thừa và vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm quý giá, những bài học trong tác chiến phòng không hiện đại, cán bộ, chiến sỹ phòng không hôm nay càng nhận rõ trọng trách lớn lao của mình đối với sự nghiệp bảo vệ bầu trời Thủ đô để xứng đáng với sự quan tâm của Đảng, Bác Hồ, xứng đáng với niềm tin yêu, sự đùm bọc giúp đỡ của chính quyền và nhân dân Thủ đô.

Ngân Hạ - Bảo Hân