Chồng chỉ ga lăng với cô hàng xóm
Xã hội - Ngày đăng : 14:09, 18/05/2010
Chị T. tâm sự: "Biết chồng mình vốn dễ gần, vui tính, vả lại giúp đỡ hàng xóm là chuyện nên làm nhưng sao vợ cứ thấy buồn buồn. Vợ không trách chồng gì cả, mà chỉ tủi thân, ước ao rằng khi vợ đi làm về chồng cũng niềm nở hỏi han thay vì lặng lẽ nhìn một cái như mọi ngày. Vợ ước rằng chồng lúc nào cũng vui vẻ cười nói với vợ như với cô hàng xóm chân dài, đi xe SH kia. Càng nghĩ, vợ càng thấy tủi thân, giả vờ bế con ra bảo chồng: 'Anh ơi dắt hộ em cái xe vào nhà nhé' thì chồng chỉ 'Ừ' một câu cụt lủn làm cho nỗi tủi thân của vợ được dịp dâng trào.
Hơi ấm ức, vợ buột miệng: 'Chồng ơi, sao mỗi khi vợ đi hay về, chồng không chạy ra đón vợ và dắt xe như đã làm cô hàng xóm thế?', chồng trợn mắt lên bảo: 'Anh tưởng em tự dắt được?'. Lúc đó vợ chỉ muốn khóc. Khi đi làm, khi ra ngoài, chồng nhã nhặn với mọi người mà sao khi gần vợ, lúc nào chồng cũng cáu bẳn, bực bội thế? Nghe mấy cô đồng nghiệp của chồng khen chồng rất ga lăng nhưng vợ thấy chồng chưa hề như thế với vợ".
Vợ vất vả, chồng không giúp, nhưng lại rất nhiệt tình với cô hàng xóm. Ảnh minh họa |
Cũng chung hoàn cảnh với chị T., khi tâm sự với chuyên viên tư vấn, chị Thu Hòa ở Thanh Xuân, Hà Nội cứ lặp đi lặp lại câu: “Sao chồng em kỳ quá, em không thể hiểu được”. Cái “kỳ” theo chị là: chồng sống hết lòng với bạn bè, người ngoài đường, nhưng chẳng chịu lo cho vợ con.
Chị Hòa sụt sùi kể: “Với anh ấy, bạn bè là số một, chỉ cần a lô một cái là anh ấy đi ngay. Ai thiếu tiền là hết lòng giúp đỡ. Vì thế, trong mắt bạn bè, anh là một người tuyệt vời. Phải chi anh cũng cư xử với vợ con như thế thì em hạnh phúc quá. Mấy năm qua, em đã nhẫn nhịn chờ anh thay đổi mà anh vẫn tính nào tật đó. Em không biết có nên tiếp tục chung sống hay ly hôn?”.
Một lần, anh Sơn chồng chị Hòa được cô bạn đồng nghiệp rủ đi siêu thị mua đồ để tổ chức liên hoan cuối năm, anh hào hứng đi ngay. Đang tay xách nách mang đủ thứ, miệng thì cười nói vui vẻ với cô đồng nghiệp, anh sững sờ gặp vợ cũng đang lỉnh kỉnh đi sắm Tết. Vợ anh chỉ đi có một mình. Anh quay đi, coi như không nhìn thấy.
Nghe lời nhà tư vấn, tối về chị Hòa không nói năng gì, cũng không làm gì. Chỉ một tuần thôi, anh Sơn thấy nhà khác hẳn khi không có bàn tay của vợ trong khi mọi thói quen của anh vẫn giữ nguyên. Nhà không khác gì một cái chuồng lợn, bẩn thỉu, ẩm thấp, hôi hám khiến anh phát điên. Chị Hòa vẫn không nói gì, không làm gì khiến anh phải suy nghĩ. Giờ thì anh đã hiểu, cuộc sống có gì vui khi chồng chỉ biết phục vụ người ngoài, còn để vợ ở nhà giống như một nô lệ. Anh quyết định thay đổi vì không muốn vợ đánh mất đi những nét đẹp của người phụ nữ.
Một vài “chiêu” khác để “trị bệnh” cho chồng:
- Khi muốn nhờ chồng làm việc gì thì phải biết cách làm nũng: “Anh ơi, dắt xe cho em với. Nếu chồng chỉ bào ừ thì đợi chồng dắt xe xong là nhảy lên bá cổ chồng hôn chùn chụt vài cái rồi thỏ thẻ bảo chồng: "Mình sướng thật ý, gái sề hai con mà vẫn được chồng dắt xe cho. Chả bù cái cô hàng xóm xinh tươi thế mà dắt xe cũng phải nhờ chồng hàng xóm”.
- Muốn chồng làm gì cho mình thì phải nói ra. Đơn giản vì đàn ông cực kỳ… đơn giản, nên thông điệp muốn truyền đến các ông chồng càng ngắn gọn súc tích càng tốt. Họ cũng thích được nịnh nọt, khen ngợi và thích trở thành anh hùng trong mắt vợ và phụ nữ nói chung. Chị em nên hạn chế tự ái vặt, muốn gì, cần gì có lúc cũng nên nói thẳng với chồng rằng “Anh ơi, em muốn/ em cần/ em thích/ em nhờ…”. Càng tự ái vặt mà không lên tiếng nhờ, cứ ngồi đợi chồng hiểu ý thì sẽ lại càng tủi thân.
- Làm vợ, làm mẹ đuơng nhiên phải hy sinh cho chồng cho con, nhưng cũng ở mức vừa phải, nên dành thời gian để chăm chút cho bản thân mình. Nên mua một thỏi son cho hồng môi, một bộ đồ ngủ duyên dáng, hay thỉnh thoảng thay đổi kiểu tóc cho mới lạ. Đàn ông luôn thích cái đẹp, cái lạ, cái ngọt ngào nên mình cần dùng tất cả cái đó để "chế ngự" họ. Với phụ nữ đẹp và duyên dáng, hầu hết đàn ông đều muốn chiều. Đàn ông thích vợ đẹp, thương vợ tốt. Vợ tốt quá, không chê được, không bỏ được, nhưng xấu thì cũng khó lòng mà… yêu chiều được.
- Khi chồng đã làm cho mình một việc gì đó, đừng quên giành cho anh ấy một phần thưởng xứng đáng dù là rất nhỏ để thể hiện sự trân trọng của mình. Đừng tiết kiệm lời khen và những cử chỉ âu yếm với anh ấy.