Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
Kinh tế - Ngày đăng : 06:26, 18/05/2010
Lắp ráp ô tô tại Công ty Ô tô nông dụng Cửu Long. Ảnh: Huy Hùng |
Cơ hội và thách thức
Theo Bộ KH-ĐT, nền kinh tế bước vào giai đoạn 2011-2015 sẽ có một số cơ hội đan xen những thách thức. Đó là kinh tế Việt Nam phát triển trong bối cảnh tình hình quốc tế có những biến đổi phức tạp và khó lường, với nhiều hình thức liên kết kinh tế mới xuất hiện; sự hợp tác giữa các nước trong khu vực ASEAN sẽ đi vào chiều sâu. Tình hình trong nước tuy có một số thuận lợi nhờ kế thừa, phát huy thành tựu to lớn của 25 năm đổi mới nhưng cũng phải đối mặt với những yếu kém đang tiếp tục nảy sinh cũng như ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Những cơ hội thu hút đầu tư, mở rộng thị trường sau khi nước ta gia nhập WTO luôn xuất hiện cùng với thách thức về sức ép cạnh tranh trên toàn cầu, nhất là sự yếu kém về chất lượng nguồn nhân lực và công nghệ.
Dựa trên thực tế, với sự góp ý kiến, đúc rút kinh nghiệm từ các đối tác, chuyên gia trong và ngoài nước, Bộ KH-ĐT đưa ra mục tiêu là phát triển kinh tế với tốc độ nhanh, bền vững, trên cơ sở tiếp tục chuyển đổi cơ cấu kinh tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả, cạnh tranh và chủ động hội nhập quốc tế, tăng hàm lượng khoa học - công nghệ trong sản phẩm… Nhiệm vụ cụ thể được xác định là ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển mạnh hệ thống hạ tầng, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu… Về tiêu chí cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2011-2015 sẽ đạt mức 7,5-8,5%/năm, trong đó khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 40,3%, công nghiệp và xây dựng: 40,7%, nông - lâm - thủy sản: 19%. Tốc độ tăng trưởng trong kim ngạch xuất khẩu đạt mức bình quân 12,2%/năm, tỷ lệ huy động vốn vào ngân sách bình quân hằng năm đạt 25,1-25,4% của GDP.
Đặc biệt, Chính phủ sẽ tạo điều kiện, cơ chế, chỉ đạo để các ngành, địa phương thực hiện việc bảo đảm tỷ trọng huy động vốn cho đầu tư phát triển bình quân ở mức 41,1-41,5% GDP/năm. Đây được coi là mức huy động vốn rất cao, thể hiện sự quyết tâm huy động tối đa nguồn lực trong khả năng có thể phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Nhiều tiêu chí quan trọng khác cũng được xác định: Đến năm 2015, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt 55%, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống mức 2-3%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 4%, nâng tỷ lệ rừng che phủ lên 42,5%... Nền kinh tế sẽ bảo đảm những chỉ số, các cân đối lớn, như tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm 2011-2015 đạt 6.340 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn trong nước sẽ chiếm 70%, tổng thu ngân sách đạt 3.880 nghìn tỷ đồng và cán cân thanh toán quốc tế tổng thể sẽ đạt thặng dư khoảng 25,6 tỷ USD…
Định hướng và giải pháp
Một số chuyên gia cho rằng, việc nghiên cứu, lập dự thảo kế hoạch trên cần được làm rõ thêm về xu hướng, mức độ hội nhập quốc tế cũng như tác động của hội nhập đối với đời sống KT-XH trong nước, đồng thời gắn liền mục tiêu tăng trưởng nhanh ở mức hợp lý với mục tiêu chiến lược là phát triển bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. Một vấn đề quan trọng hàng đầu là cần lượng hóa số vốn cần thiết, khả năng huy động trong từng thời điểm và mức độ giải ngân vốn cụ thể nhằm bảo đảm nguồn vốn cung cấp liên tục cho phát triển. Với cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế đưa ra cảnh báo về sự tụt hậu trong công nghệ sản xuất, từ đó khuyến cáo từng đơn vị nên xúc tiến đầu tư thỏa đáng cho việc nhập, sử dụng công nghệ hiện đại để cho ra đời những sản phẩm chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn, giàu sức cạnh tranh…
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Cao Viết Sinh nhấn mạnh, những năm tới nền kinh tế nước ta vẫn tiếp tục chuyển đổi cơ cấu, kết hợp hài hòa giữa phát triển chiều rộng và chiều sâu, vận động một cách hợp lý, linh hoạt để tận dụng hết cơ hội nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, tranh thủ nguồn vốn ODA và đầu tư nước ngoài bên cạnh việc phát huy tối đa nguồn nội lực. Việt Nam tiếp tục ưu tiên, khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ để từ đó chủ động phát triển nhiều ngành sản xuất như cơ khí, lắp ráp, xây lắp công trình công nghiệp. Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện tốt nhất và bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp phát triển theo hướng đa dạng hóa sở hữu, cũng như kết hợp nâng cao sức cạnh tranh của mỗi đơn vị trên thị trường.
Việc phát triển tổng thể cũng sẽ được xác định, trên cơ sở quan tâm thỏa đáng đến phát triển vùng và kết hợp liên vùng để phát huy tối đa, hợp lý tiềm năng, nguồn lực từng địa phương, vùng miền; đồng thời lan tỏa sự ảnh hưởng phát triển theo hướng công nghiệp hóa ở các địa phương, khu vực lân cận…