Đồng thuận: Chìa khóa thành công

Chính trị - Ngày đăng : 06:20, 18/05/2010

(HNM) - Câu chuyện được chính quyền và người dân xã Đại Áng (Thanh Trì) quan tâm nhất trong thời điểm này là việc xây dựng nông thôn mới (NTM). Ði khắp các thôn, ở đâu cũng thấy người dân bàn bạc về chuyện đóng góp, chuyện quy hoạch, chuyện làm đường giao thông... Trụ sở UBND xã, nhà văn hóa thôn


Giải bài toán khó
Xã Đại Áng là một trong ba xã được Hà Nội chọn đầu tư xây dựng thí điểm mô hình NTM. Theo dự thảo đề án, trong 2 năm 2010-2011 xã Đại Áng sẽ đầu tư khoảng 225 tỷ đồng. Trong đó, năm 2010 đầu tư hơn 93 tỷ đồng và năm 2011 đầu tư gần 132 tỷ đồng. Cơ cấu vốn dự kiến ngân sách thành phố hỗ trợ 40%, ngân sách huyện 40% còn lại là huy động tại chỗ và ngân sách xã. Mặc dù nguồn vốn của thành phố và huyện đầu tư là chủ yếu, nhưng địa phương cũng phải chủ động một phần. Theo Chủ tịch UBND xã Đại Áng Nguyễn Bá Đông, địa phương sẽ phải huy động 37 tỷ đồng. Trong khi đó, ngân sách xã bình quân một năm chỉ đạt 1,2 tỷ đồng. Là xã ven đô, nhưng Đại Áng vẫn phát triển nông nghiệp là chủ yếu, doanh nghiệp hầu như không có. Do đó, khi triển khai xây dựng NTM, nhiều ý kiến cho rằng huy động sức đóng góp của dân sẽ là bài toán khó.


Để tháo gỡ khó khăn, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã Đại Áng tổ chức nhiều cuộc họp nhằm triển khai sâu rộng chủ trương, các nội dung xây dựng NTM và lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân. Ngoài kế hoạch đấu giá một số khu đất công, xã Đại Áng đã đề ra mục tiêu huy động đóng góp của dân, bởi mục tiêu xây dựng NTM phục vụ lợi ích các hộ dân nên chủ thể xây dựng phải là người dân. Từ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, đông đảo nhân dân đã đồng tình ủng hộ và nhất trí cao với phương án: Mỗi lao động trong độ tuổi sẽ góp khoảng 40 ngày công/năm (tương ứng với 2,5 triệu đồng/người/năm). Các hộ nghèo và đối tượng chính sách được miễn mọi khoản đóng góp.

Thuận lợi bước đầu
Để bảo đảm mô hình NTM của địa phương về đích đúng tiến độ, xã Đại Áng đang tích cực triển khai nhiều phần việc. Ông Nguyễn Công Đỗ, 56 tuổi người dân thôn Đại Áng cho biết, từ khi được thành phố chọn làm điểm xây dựng NTM, bà con rất phấn khởi. Thôn đã tổ chức 3 buổi họp bàn về xây dựng NTM, mức huy động đóng góp. Tất cả bà con đều đồng tình nhất trí với phương án xã đưa ra. Cũng theo ông Nguyễn Công Đỗ, từ nay đến hết năm, gia đình ông sẽ góp khoảng 10 triệu đồng để xây dựng NTM. So với thu nhập của nông dân, mức đóng góp ấy hơi cao, nhưng chúng tôi sẽ chia làm nhiều đợt thu và góp bằng ngày công là chủ yếu. Với lại, mình già rồi, đóng góp để cho con, cho cháu. Ông Nguyễn Bá Ky, Trưởng thôn Vĩnh Thịnh cho biết, thôn Vĩnh Thịnh hiện có 2.700 dân. Sau khi được tuyên truyền, vận động, người dân trong thôn đồng thuận cao với chủ trương xây dựng NTM. Trong tháng qua, cả thôn đã huy động được 100 triệu đồng từ các hộ dân để xây dựng nhà văn hóa thôn trên diện tích 2.000m2. Nhiều người dân kiến nghị chính quyền khi xây dựng đường giao thông nông thôn, tại những đoạn đường cũ nhỏ và hẹp nên mở rộng thêm. Các hộ dân sẵn sàng góp đất đai và tiền của để làm đẹp các tuyến đường để người dân đi lại thuận lợi hơn.

Chủ tịch UBND xã Đại Áng Nguyễn Bá Đông cho biết, việc triển khai xây dựng NTM trên địa bàn đã nhận được sự đồng thuận của đông đảo nhân dân nên bước đầu mọi công việc đều thuận lợi. Nhiều phần việc đã và đang hoàn thành như: Tu sửa kênh tưới liên xã từ cống Hai Cửa tới thôn Vĩnh Thịnh dài 2.750m trị giá gần 2 tỷ đồng; cơ bản hoàn thành xây dựng nhà văn hóa tại thôn Nguyệt Áng và Vĩnh Trung; đang chuẩn bị thi công 2 nhà văn hóa tại thôn Đại Áng và Vĩnh Thịnh. Một số công trình xây mới như trường học, chợ, giao thông nông thôn, giao thông thủy lợi và nội đồng đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục thi công.

Nguyễn Mai