Tôn vinh sức mạnh Việt Nam
Xã hội - Ngày đăng : 06:15, 18/05/2010
Công trình tượng đài Thánh Gióng trong thời gian hoàn thiện. Ảnh: Thái Hiền |
Việc làm này không chỉ thể hiện lòng biết ơn của các thế hệ người Việt hôm nay trước công lao của vị Thánh đứng đầu trong "tứ bất tử", mà còn khẳng định truyền thống yêu nước, ý chí quật cường mà Thánh Gióng được coi là biểu trưng luôn được nhân dân ta gìn giữ, phát huy.
Biểu trưng tinh thần Việt, ý chí Việt
Ý tưởng xây dựng tượng đài Thánh Gióng được thành phố Hà Nội ấp ủ từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước và đã nhiều lần trưng cầu, lấy ý kiến đóng góp của nhân dân và các nhà khoa học. Cuối cùng, mẫu tượng Thánh Gióng bay lên trời theo thế thẳng đứng của nhà điêu khắc Nguyễn Kim Xuân đã được chọn. Theo mẫu này, chân tượng được tạo hình từ sự cách điệu của mây, của hào quang và những cây tre đằng ngà, Thánh Gióng cưỡi trên lưng ngựa, bay lên trời xanh, tay phải cầm một cây tre lớn. Theo đánh giá của giới chuyên môn, mẫu tượng đài đã toát lên thần thái và hình tượng của đức Thánh theo truyền thuyết. Đó là một cậu bé 3 tuổi chưa biết đi, chưa biết nói, nhưng nghe thấy sứ giả của nhà vua tìm người đi đánh giặc cứu nước bỗng vụt trở thành tráng sĩ, dẫn đầu nhân dân đánh tan quân xâm lược. Sâu xa hơn, câu chuyện về Thánh Gióng là bài học giáo dục tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường cho các thế hệ người dân Việt Nam. Do đó, mẫu tượng đài theo hướng bay lên ấy còn là sự thể hiện tinh thần, ý chí, nghị lực của Thánh Gióng luôn là động lực thôi thúc mỗi người dân Việt Nam sống, học tập, lao động vì tương lai của đất nước.
Vào 9h09 ngày mùng 9 tháng Chín năm Kỷ Sửu (tức 26-10-2009) trong niềm hân hoan của hàng vạn người dân và du khách thập phương, sau gần 7 tháng thi công, tượng đài Thánh Gióng bằng đồng lớn nhất Việt Nam đã hoàn thành khuôn đúc cuối cùng. Tượng có trọng lượng 85 tấn đồng nguyên chất, chiều cao tới đỉnh là 11,07m, với độ vươn ra là 16m. Tổng kinh phí cho việc đúc tượng là 50 tỷ đồng huy động từ nguồn xã hội hóa, trong đó riêng phần đúc tượng 25 tỷ đồng.
Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Ủy viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam cho biết: Mọi công đoạn chuẩn bị cho lễ rước tượng đã hoàn thành, bảo đảm lễ rước Ngài lên núi sẽ trang nghiêm, chu đáo. Thượng tọa cho biết thêm, địa điểm đặt tượng là đỉnh núi đá Chồng, bên tả có đỉnh Mũi Cày, bên hữu là đỉnh chùa Non Nước, phía trước là đỉnh Đại Thích chắn tựa bình phong là vùng đất linh thiêng, bốn mùa luôn xanh mát.
Thắp sáng nhân tâm
Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội đánh giá: "Tượng đài Thánh Gióng không những là công trình trọng điểm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, mà còn mang dấu ấn của thời đại mới, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử dựng nước, giữ nước của cha ông ta; đồng thời mang giá trị văn hóa tâm linh sâu sắc". Góp phần làm nên những giá trị ấy, ngoài sự quan tâm, tạo điều kiện về mọi mặt của các cơ quan chức năng còn là sự phát tâm công đức của các tổ chức, cá nhân.
Phát tâm công đức tới 25 tỷ đồng để hoàn thành việc đúc tượng, chị Nguyễn Thị Kim Thoa, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty ATS bày tỏ: "Được góp chút lòng thành vào công trình đúc tượng đài Thánh Gióng là may mắn của tôi. Tôi mong muốn thế hệ trẻ hôm nay, nhất là các cháu thiếu nhi có cơ hội được nhìn thấy hình ảnh của đức Thánh, qua đó học tập được ý chí, nghị lực của Ngài để sống lành mạnh, sống có ích, góp phần xây dựng quê hương, đất nước". Hơn thế, với tâm niệm dâng lên đức Thánh phải là những gì tinh túy, hoàn hảo và thánh thiện nhất, chị Thoa đã tìm mua hơn 80 tấn đồng nguyên chất tốt nhất từ Austraulia về đúc tượng Ngài. Ngay cả việc chọn mua hàng tấn các loại chì, thiếc để pha trộn trong quá trình đúc cũng do chị chọn lựa. Cảm kích trước thiện tâm trong sáng của chị Thoa, tác giả mẫu tượng điêu khắc Thánh Gióng Nguyễn Kim Xuân đã nhượng lại bản quyền bức tượng cho chị với cùng một tâm niệm: bảo đảm tính duy nhất của tượng Đức Thánh, có như thế mới thể hiện được sự tôn nghiêm và linh thiêng...
Ngoài ra, nghệ nhân đúc đồng Vũ Duy Thuấn cùng các công nhân Công ty Nam Đại Phong đã dành nhiều tâm huyết, nỗ lực để tượng đài toát lên được những giá trị biểu trưng của nhân vật Thánh Gióng đã được dân gian hình tượng hóa và tôn làm Thánh.
Thượng tọa Thích Thanh Quyết cho biết thêm: Lễ hô thần nhập tượng sẽ được tổ chức chính thức vào tháng 8 dương lịch tới, hoàn thành toàn bộ quá trình đúc tượng Thánh Gióng. Sau khi hoàn thành, tượng đài Thánh Gióng sẽ là điểm nhấn của di tích tâm linh tại Sóc Sơn, đón tiếp người dân đến tham quan, chiêm bái.
Việc đúc hoàn thành tượng đài Thánh Gióng cũng góp thêm nhân tố tôn vinh di sản hội Gióng đang đệ trình UNESCO công nhận là di sản phi vật thể của nhân loại.