Xây dựng bộ máy hành chính vì dân
Chính trị - Ngày đăng : 06:12, 18/05/2010
Tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận “một cửa” phường Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ảnh: Linh Tâm |
Nền công vụ vì dân
Thực hiện lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Các cơ quan nhà nước từ trung ương đến cơ sở phải đề cao trách nhiệm là công bộc của dân, gánh vác trách nhiệm trước nhân dân, không được kiêu ngạo, cậy quyền đè đầu, ức hiếp dân" (trong thư gửi UBND các kỳ, tỉnh, huyện và làng, năm 1945), các cấp trên địa bàn TP đã ra sức xây dựng một nền hành chính công khai, hiệu quả và minh bạch. Việc thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" theo Quyết định 93/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã được 100% các sở, ngành và quận, huyện, thị xã triển khai. Trong đó, nhiều quận, huyện thực hiện hiệu quả như Tây Hồ, Hà Đông, Ba Đình, Thanh Xuân, Cầu Giấy; Hoàng Mai; Đông Anh, Sóc Sơn…
Để bảo đảm quy trình làm việc nhanh chóng, hiệu quả, nhiều đơn vị đã sử dụng phần mềm "một cửa" và phần mềm điều hành tác nghiệp, như quản lý văn bản, thư điện tử. Đến nay đã có 12/29 quận, huyện và 16/26 sở, ngành có website hoặc cổng thông tin điện tử riêng. Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội đã được nâng cấp, đổi mới toàn diện, cung cấp 690 dịch vụ công trực tuyến mức 1 (thông tin về TTHC); 1.563 dịch vụ mức độ 2 (cung cấp biểu mẫu điện tử) và 2 dịch vụ mức độ 3 (tiếp nhận biểu mẫu điện tử). Hệ thống mạng trực tuyến đã được kết nối với tất cả các sở, ngành và chuẩn bị đi vào hoạt động.
Một hiệu quả rõ rệt nhất trong lĩnh vực cải cách hành chính mà TP Hà Nội thực hiện mới đây là việc đơn giản hóa TTHC (giai đoạn 2 Đề án 30). Đơn giản thủ tục không dễ dàng vì nó đụng chạm đến quyền lợi của không ít cán bộ. Song TP đã huy động được sức mạnh tổng lực từ các đơn vị. Mỗi cá nhân được giao trách nhiệm đều làm việc với tinh thần trách nhiệm, vừa ở vai trò cán bộ giải quyết thủ tục, vừa đặt mình vào vị trí của người đi làm thủ tục để thấu hiểu khó khăn của người dân. Chính vì vậy, dù có khối lượng TTHC lớn thứ 2 trên toàn quốc (sau TP Hồ Chí Minh) nhưng Hà Nội đã kiến nghị đơn giản tới 1.292/1.816 TTHC, đạt tỷ lệ 71,2% (vượt hơn 2 lần so với chỉ tiêu đơn giản hóa tối thiểu 30% TTHC theo yêu cầu của Thủ tướng). Trong đó, nhiều kiến nghị giảm về thủ tục, thành phần hồ sơ, thời gian, biểu mẫu… để tạo điều kiện tốt nhất cho người đi làm thủ tục.
Cán bộ là "gốc" của công việc
Theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "cán bộ là gốc của mọi công việc" nên TP Hà Nội luôn coi trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ CBCC cũng như tuyển dụng cán bộ có chuyên môn đáp ứng yêu cầu công việc. Thực tế cho thấy, nhiều CBCC đã gương mẫu làm việc tận tụy, hết lòng phục vụ nhân dân dù chế độ tiền lương còn chưa phù hợp với đời sống. Khi giao dịch hành chính, người dân đã thấy hài lòng hơn với phòng "một cửa" của các sở, các cấp trang trọng, lịch sự; cán bộ có thái độ nhã nhặn, nhiệt tình. Cùng với đó, các cơ quan hành chính đều phải ban hành quy trình thực hiện từng TTHC và niêm yết công khai để công dân biết và kiểm tra. Đồng thời, TP tiếp tục duy trì đoàn kiểm tra công tác giải quyết TTHC để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh sai phạm. Qua đó, việc giải quyết TTHC dần đi vào nền nếp, hồ sơ giải quyết đúng hẹn ngày càng tăng, người dân đã không còn ngần ngại khi đến cơ quan công quyền.
Chế độ phụ cấp hằng tháng cho cán bộ "một cửa" và cán bộ tiếp dân tiếp tục được TP duy trì để động viên họ yên tâm công tác. Đặc biệt, TP Hà Nội quyết tâm xây dựng một nền hành chính hiện đại, công khai, minh bạch, hiệu quả lâu dài. Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế Hà Nội và Công an TP thực hiện liên thông giải quyết đăng ký kinh doanh, đăng ký mã số thuế và đăng ký con dấu; Sở Thông tin và Truyền thông triển khai quy trình xây dựng văn bản quy định của UBND TP về mã số TTHC, mã số hồ sơ hành chính; Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ban, ngành xây dựng, hoàn thiện quy trình giải quyết theo cơ chế "một cửa liên thông" đối với các TTHC cùng thuộc trách nhiệm, thẩm quyền giải quyết của hai hay nhiều sở, ban, ngành liên quan đến lĩnh vực quản lý đầu tư xây dựng, đăng ký kinh doanh, đất đai; Sở Ngoại vụ triển khai thực hiện thủ tục kê khai trực tuyến tại cổng thông tin điện tử http://www.lanhsuvietnam.gov.vn. Dự kiến cuối năm 2010, Hà Nội sẽ có 50% quận, huyện, sở, ngành đạt chuẩn cơ quan điện tử.