Bảo tồn và phát triển

Xã hội - Ngày đăng : 05:58, 18/05/2010

(HNM) - Tuy vẫn còn có những ý kiến khác nhau, mà sự khác nhau ấy cũng là điều khó tránh, nhưng sự đồng thuận xã hội đã trở nên rõ nét: con đường Văn Cao - Hồ Tây phục vụ quốc kế dân sinh của Thủ đô Hà Nội 1000 năm tuổi cần phải được tiếp tục triển khai.

Đường Văn Cao - Hồ Tây bỗng trở nên tâm điểm chú ý của báo chí và dư luận khi những nhà thầu thi công đụng phải một con đường di sản. Một con đường mà trong giới chuyên môn, có người cho đó là đoạn thành thời Lý; người khác lại bảo là thời Lê, có người lại nói có khi còn xa xưa hơn nữa, hoặc giả chỉ là truyền khẩu.

Nhu cầu khám phá quá khứ và yêu cầu phát triển của hiện tại "đụng độ" tại một "nút giao" Văn Cao - Hoàng Hoa Thám.

Sự đụng độ như thế đã và sẽ còn tiếp tục xảy ra một cách không thể tránh khỏi, trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, bởi dòng chảy của lịch sử, một cách khách quan và tất yếu bao giờ cũng từ quá khứ, đến hiện tại và hướng tới tương lai và trên đường hành trình, nhất định nó phải vượt qua những vùng đất lịch sử. Một đoạn thành - là Hoàng Thành hay một đoạn đê, hay những khu dân cư… đều là di sản mà những người đi trước đã tạo dựng để lại cho chúng ta. Sự gửi gắm ấy luôn chứa đựng rất nhiều thông điệp: chung nhất, đó là trình độ phát triển kinh tế, xã hội; là nhu cầu bảo vệ kinh thành trước giặc giã, ngoại xâm; là kinh nghiệm và kỹ năng xây đắp thành lũy… Và cũng xin nói thêm, để khám phá những điều đó, không phải chỉ có khảo cổ học, mà còn có nhiều chuyên ngành khoa học khác có thể tham gia. Có khi một câu ca dao, một câu truyện cổ tích, những giá trị văn hóa, đời sống hàm chứa trong đó sinh động, phong phú không thua kém các hiện vật khảo cổ. "Gà Tò, lợn Tó, vó Vạn Đồn…" chỉ cần hai chữ thôi mà khái quát, mà đúc kết được đặc trưng văn hóa, đời sống của cả một làng, một vùng đất lịch sử.

Với Thăng Long - Hà Nội 1000 năm tuổi, nói một cách đầy hình tượng và cảm xúc như nhà thơ Nguyễn Đình Thi: "Đêm đêm thì thầm trong tiếng đất. Những tiếng người xưa vọng nói về". Những cái mà chúng ta đọc được trong tiếng thì thầm ấy, là sự mong ước của người xưa, cũng là sự mong ước của hôm nay là đất nước, Thủ đô của chúng ta sẽ ngày càng đi lên, ngày càng phát triển. Khám phá, hiểu biết quá khứ để tiếp tục tự tin, tự hào, vững vàng tiến về phía trước chứ không phải để dừng lại, chỉ để ngắm nhìn quá khứ; lại càng không bao giờ để đi giật lùi trở về thời đại đồ đá cũ. Loài người, từ sơ khai, tiền sử sống trong hang động, đến biết làm lán trại thô sơ có mái che, đến biết xây những tòa lâu đài biệt thự nguy nga tráng lệ là chặng đường dài hàng triệu năm, là một sự phủ định biện chứng để tiến lên.

Để xây dựng và phát triển Thủ đô, hằng ngày chúng ta đang phải xử lý mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Cái gì nên bảo tồn? Cái gì cần phát triển? Và nếu cần bảo tồn thì bảo tồn như thế nào? Khi xảy ra sự tranh chấp, sự "đụng độ" giữa bảo tồn và phát triển thì cái gì nên được ưu tiên là phải tùy thuộc vào kích cỡ, tầm vóc, giá trị cụ thể của từng di tích, từng công trình chứ không thể có một câu nói chung chung. Nếu là cái đặc biệt quý giá, độc nhất vô nhị, nếu phá bỏ là vĩnh viễn mất đi không còn tìm đâu thấy, không thể phục dựng lại được, thì đương nhiên, phải ưu tiên tối đa, không cần tranh cãi cho việc bảo tồn; mà có khi phải là bảo tồn tại chỗ. Nhưng với những đối tượng, những di tích không phải như vậy, nơi này, nơi khác đã có, thậm chí có nhiều, những cái mà ai ai cũng đã biết: những mảnh gốm, những viên gạch… đã có rất nhiều trong các kho tư liệu… Chúng ta còn cả một đường thành, mà có người khẳng định dài 5-7km, thì việc cho tạm dừng thi công, rồi lại tiếp tục cho triển khai con đường Văn Cao - Hồ Tây là giải pháp hoàn toàn đúng đắn, là sự kết hợp thỏa đáng mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển.

Giữa bảo tồn và phát triển, trong trường hợp cụ thể này, xin ai đó chớ viện dẫn những lời to tát, đại thể "xin đừng bắn vào quá khứ" để chỉ trích những việc làm xuất phát từ sự quan tâm và yêu cầu phát triển Thủ đô. Không nên bắt bẻ hay nặng lời chỉ trích những người đang chịu trách nhiệm thi công con đường. Nếu nói về trách nhiệm và mối quan tâm lo lắng cho sự phát triển của Thủ đô và đất nước thì không hẳn những người xây dựng đã thua kém các nhà khảo cổ đối với các hiện vật, những mảnh sành, mảnh sứ… Và tất nhiên ở đây không nói những người nhân danh, không nặng lòng vì cái chung. Những công trình kinh tế, văn hóa chúng ta xây đắp hôm nay cũng sẽ trở thành đối tượng bảo tồn của mai sau. Đó tuyệt nhiên không phải là sự phá bỏ quá khứ mà là sự tiếp nối, khơi thông dòng chảy quá khứ, hiện tại tới tương lai.

Giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển là câu chuyện của muôn đời và không phải chỉ diễn ra ở nút Văn Cao - Hoàng Hoa Thám. Mai sau, có thể là vào năm kỷ niệm Thăng Long - Hà Nội 2000 tuổi, tại nút giao Văn Cao - Hoàng Hoa Thám con cháu chúng ta sẽ cảm thấy thật là kỳ thú và tự hào, một con đường mới và một đoạn thành cổ giao nhau, tựa vào nhau mà phát triển, mà đi tới, chứ không phải là một cuộc "đụng đầu lịch sử", một sự loại trừ được, mất. Khi ấy, lần giở lại những trang báo của năm 2010, những người con của Kinh thành Thăng Long - Hà Nội chắc sẽ bâng khuâng và tự hào.

Minh Dân