Chú ý xây dựng khu vệ sinh trong lớp học mầm non
Giáo dục - Ngày đăng : 17:19, 17/05/2010
Bộ cũng đề nghị các địa phương cần sắp xếp, quy hoạch mạng lưới các trường, lớp học mầm non (đặc biệt là mẫu giáo năm tuổi) phù hợp với đặc thù của từng vùng trên cơ sở quy mô lớp, tỷ lệ học sinh trên lớp; Ưu tiên tiên đầu tư xây dựng các trường mầm non đạt chuẩn quốc gia tại 62 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ và 24 huyện miền núi của 6 tỉnh giáp Tây Nguyên.
Mẫu nhà lớp học trường mầm non phải tuân thủ thiết kế mẫu do Bộ Xây dựng ban hành. Trong từng trường hợp cụ thể, các địa phương có thể sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, nhưng phải đảm bảo kiên cố, bền vững và không lãng phí kinh phí. Những thông số chỉ định trong thiết kế mẫu đã căn cứ theo các quy chuẩn và tiêu chuẩn, do đó không được thay đổi: Kích thước mặt bằng, chiều cao các phòng học; Chiều rộng hành lang, cầu thang; Vị trí kích thước cửa đi, cửa sổ lấy ánh sáng; Chiều cao lan can hành lang và cầu thang.
Ngoài ra, việc xây dựng trường, lớp còn phải tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam hiện hành. Đảm bảo cho trẻ tàn tật tiếp cận sử dụng theo Quy chuẩn QCXDVN 01: 2002 “Xây dựng công trình để đảm bảo người tàn tật tiếp cận sử dụng”. Theo đó cần chú ý đường dốc trượt, lan can, tay vịn… và các phương tiện cảnh báo cần thiết khác cho trẻ tàn tật tiếp cận an toàn.
Về giải pháp kiến trúc, Bộ lưu ý các trường nên bố trí vệ sinh khép kín trong phòng học ở những nơi có hệ thống cung cấp nước. Đối với khu vệ sinh ngoài nhà, cần bố trí hành lang có mái che.
Với các xã khó khăn, biên giới, hải đảo, vùng có nhiều đồng bào dân tộc, cần đảm bảo tất cả các xã đều có trường mầm non ở trung tâm và các điểm lẻ có phòng học được xây dựng kiên cố theo hướng chuẩn hóa và phù hợp với quy mô trẻ trên lớp. Trong đó, lưu ý đầu tư xây dựng khu vệ sinh cho trẻ.