Ngành dệt may: Cách nào tạo thương hiệu?

Kinh tế - Ngày đăng : 06:46, 17/05/2010

(HNM) - Những năm qua, ngành dệt may nước ta được đánh giá có bước phát triển vượt bậc, đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế của đất nước. Năm 2009, giá trị xuất khẩu đạt hơn 9 tỷ USD, năm 2010 ngành đặt mục tiêu xuất khẩu 10,5 tỷ USD và 4 tháng đầu năm đã xuất khẩu 3,04 tỷ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, hiện nay phần lớn doanh nghiệp (DN) dệt may đều làm gia công xuất khẩu, mà chưa chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu.

Ngành dệt may cần xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường tiêu thụ. Ảnh: Bá Hoạt

Hiệp hội Dệt may và các DN sản xuất cho rằng, dệt may là ngành làm công ăn lương vì làm ra giá trị gia tăng thấp. Ví dụ việc sản xuất áo sơ mi xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, nếu các DN trong nước mạnh dạn đầu tư hơn vào việc thiết kế, phân phối sản phẩm sẽ đem lại hiệu quả cao gấp 50-70 lần so với làm gia công. Nhưng, hiện nay lượng tiêu thụ sản phẩm nội địa mới chiếm khoảng hơn 20% doanh số bán hàng của các DN, còn xuất khẩu vẫn chiếm gần 80%. Gần đây, một số DN trong nước như May 10, Việt Tiến, Nhà Bè... đã đi theo hướng phát triển thương hiệu. Tuy nhiên, đến nay sản phẩm thương hiệu cao cấp của nước ta còn rất ít, chỉ một vài DN có đủ điều kiện cạnh tranh với sản phẩm cao cấp nước ngoài. Công ty Việt Tiến tuy đứng đầu về doanh thu nội địa, nhưng chỉ chiếm trên dưới 30%. Công ty May Phương Đông với thương hiệu F-House cũng nhắm vào thị trường trong nước, nhưng vẫn chưa tạo được thương hiệu trên thị trường nội địa, nhất là trang phục dành cho giới trẻ, mẫu mã còn đơn điệu, chưa cạnh tranh được với sản phẩm nhập khẩu.

Trong định hướng phát triển, Tập đoàn Dệt May Việt Nam đặt ra nhiệm vụ có tính chiến lược cho các viện nghiên cứu, các trường đào tạo coi trọng khâu đào tạo đội ngũ thiết kế thời trang, lấy Viện Mẫu thời trang Fadin làm nòng cốt trong định hướng cho các nhà thiết kế thời trang. Bên cạnh đó, tập đoàn đã, đang mời gọi các tập đoàn kinh tế mạnh trên thế giới tiếp tục đầu tư vào sản xuất vải, nhuộm hoàn tất, xơ sợi tổng hợp... đồng thời cũng khuyến cáo các nhà sản xuất cần tìm hiểu người tiêu dùng thích mặc kiểu dáng nào, loại vải gì, màu sắc ra sao... để từ đó có định hướng đầu tư và phát triển cho phù hợp với yêu cầu của thị trường.

Việt Nam luôn đi sau khu vực, bởi nhiều lý do, trong đó có lý do là các nhà quản lý chưa có chiến lược bài bản, lâu dài để xúc tiến thị trường trong nước. Trong các cuộc thi về thời trang trong nước và quốc tế, có không ít nhà thiết kế đã thành danh, độc lập phát triển bán hàng trong nước, nhưng số này chưa nhiều. Nếu các DN không thay đổi, vẫn giữ nhịp độ như hiện nay sẽ không thể phát triển nhanh được. Nhận thức được điều đó, có một số DN đã coi việc nghiên cứu, sản xuất và đưa ra thị trường những sản phẩm có tính khác biệt cao như một yếu tố để tăng hiệu quả kinh doanh và tăng năng lực cạnh tranh so với hàng nhập khẩu. Điều rất đáng mừng là bên cạnh sự khác biệt về thiết kế thời trang, có DN đã đầu tư tạo sự khác biệt sâu hơn về công năng sản phẩm. Chẳng hạn như vải chống cháy, quần áo và khẩu trang chống virus của Como, sản phẩm chống nhăn của Việt Thắng, sợi và vải chống tĩnh điện của dệt Thành Công...

Để thời trang hóa ngành dệt may, cần rất nhiều yếu tố như nguồn nhân lực, mở rộng sản xuất, thương mại, văn hóa... Song, vai trò của các ngành chức năng rất quan trọng, nếu từng DN tự làm sẽ không giải quyết được những vấn đề mang tính tổng thể. Sớm được ngành chức năng quan tâm, mục tiêu xuất khẩu 10,5 tỷ USD năm 2010 và 16-18 tỷ USD năm 2015 với sản phẩm có hàm lượng giá trị cao hơn, có tính thời trang hơn, có giá trị gia tăng cao hơn và mở rộng thị trường nội địa, sẽ không phải là quá khó.

Hiền Anh