Còn tình trạng dừng trên... văn bản

Chính trị - Ngày đăng : 06:39, 17/05/2010

(HNM) - Kết quả giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri tại Kỳ họp thứ sáu, QH khóa XII đến trung tuần tháng 5 này cho thấy, bên cạnh những đề xuất được tiếp thu, xử lý kịp thời, vẫn còn nhiều bộ, cơ quan ngang bộ giải quyết kiến nghị của dân chậm.

Một số văn bản trả lời không được cử tri và Đoàn đại biểu QH đồng tình. Đặc biệt, có 18 kiến nghị chưa được quan tâm xử lý. Ban Dân nguyện của QH đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam liệt kê cụ thể để báo cáo QH vào Kỳ họp thứ bảy, QH khóa XII khai mạc vào ngày 20-5 tới.

Đại biểu quận Ba Đình phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: Thái Hiền

Trưởng ban Dân nguyện của QH Trần Thế Vượng cho biết, tại Kỳ họp thứ sáu, QH khóa XII, cử tri cả nước đã gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UB TVQH) 1.680 kiến nghị, tập trung vào các lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông - Vận tải, Công thương, Nội vụ, Lao động- Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Y tế. Tiếp thu ý kiến của cử tri, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020, loại bỏ 77 sân với diện tích 9.000ha đất so với quy hoạch của các địa phương và giảm 27 sân so với đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đặc biệt, sau kiến nghị về việc mạng lưới thủy điện dày đặc, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, xã hội, Chính phủ đã kiểm tra, rà soát, đánh giá về quy hoạch và đầu tư các dự án thủy điện của khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Bộ Công thương đã thống nhất với 9 tỉnh loại bỏ 21 dự án đã phê duyệt, điều chỉnh 35 dự án...

Riêng những đề xuất về vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của đất nước được tiếp thu trong quá trình xem xét, quyết định nhiệm vụ kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2010. Đặc biệt là trong 2 nghị quyết của QH về chủ trương đầu tư Nhà máy Thủy điện Lai Châu và dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Tuy nhiên, ông Vượng cho rằng, nhìn trên bình diện chung, nhiều bộ, ngành còn chậm trả lời và thông báo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri. Ông Vượng dẫn chứng ngay một số vụ việc cụ thể như quy định định mức biên chế sự nghiệp của các trung tâm dạy nghề công lập; giải quyết chế độ đối với chủ nhiệm hợp tác xã trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ; lương giáo viên mầm non...

Cũng có kiến nghị đã được giải quyết nhưng nhân dân không đồng tình. Đó là văn bản trả lời của Bộ Y tế về thủ tục thanh toán bảo hiểm y tế đối với trường hợp người bị tai nạn giao thông, bị không ít công chức, người lao động phản ứng rằng chưa sát với nội dung kiến nghị.

Đặc biệt, còn có không ít ý kiến đề nghị xem xét lại vai trò của Hiệp hội Lương thực Việt Nam trong hoạt động điều hành xuất khẩu gạo khiến Ban Dân nguyện cùng với đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Văn phòng Chính phủ... đã phải cùng ngồi lại để "giải mã" sự việc. Qua đó, phát hiện ra, Bộ Nội vụ, Bộ Công thương đã không làm đầy đủ trách nhiệm theo quy định của pháp luật khi nghiên cứu, quyết định phê duyệt Điều lệ của Hiệp hội Lương thực Việt Nam. Vì vậy, trong Điều lệ được phê duyệt, Hiệp hội Lương thực Việt Nam có những nhiệm vụ, quyền hạn không phù hợp với quy định tại điều 9, Luật Thương mại như hướng dẫn giá các loại gạo xuất khẩu; tổ chức thực hiện việc đăng ký, thống kê xuất nhập khẩu; hướng dẫn và điều hành xuất nhập khẩu mặt hàng gạo. Từ đó, không khuyến khích được doanh nghiệp tham gia Hiệp hội Xuất khẩu gạo theo hợp đồng tập trung. Ban Dân nguyện đề nghị Bộ Công thương và các cơ quan hữu quan "cần quan tâm, nghiên cứu" những vấn đề nêu trên khi xây dựng dự thảo nghị định về kinh doanh xuất khẩu. Bộ Nội vụ xem xét lại quyết định phê duyệt Điều lệ Hiệp hội Lương thực Việt Nam. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, nếu chỉ dừng lại ở mức độ xử lý kể trên thì chưa thể gọi là "xong giải quyết kiến nghị". Bởi "xong giải quyết kiến nghị" bao hàm những kết quả giải pháp cụ thể được làm sau đó. Nay chưa đạt được điều này thì chẳng khác nào đã quan tâm nhưng chưa làm rốt ráo.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận yêu cầu lọc ra được đâu là văn bản chỉ đạo, điều hành, đâu là văn bản ban hành để giải quyết kiến nghị của cử tri nhằm khắc phục tình trạng giải quyết trên văn bản mà chưa được triển khai thực hiện. Cùng với tăng cường giám sát, cần công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng những địa chỉ làm tốt và địa chỉ làm chưa tốt trong công tác giải quyết kiến nghị của cử tri để thúc đẩy các cơ quan hữu quan nâng cao trách nhiệm của mình; đồng thời tạo điều kiện cho nhân dân cùng với các cơ quan QH giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri.

Hà Phong