Tháng Năm trong nỗi nhớ Người

Chính trị - Ngày đăng : 06:29, 17/05/2010

(HNM) - Tháng 5-2010, dòng người đi trong thương nhớ từ khắp mọi miền Tổ quốc về Làng Sen (Nghệ An) để thỏa niềm khát khao tìm về quê Bác. Vẫn những di tích ấy, những khung cảnh thân thương ấy, nhưng mỗi lần về miền quê xứ Nghệ, biết bao người con đất Việt lại trào dâng xúc cảm.

Đông đảo nhân dân tham quan Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Khu di tích Kim Liên, (Nam Đàn, Nghệ An).


Bác Hồ - Người là tình yêu thiết tha nhất
Có lẽ cảm nhận đầu tiên đối với bất cứ ai đến Nghệ An là tinh thần học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của cán bộ, đảng viên Khu di tích Kim Liên. Nó được thể hiện gần gũi mà ấm áp, giản dị mà thiêng liêng như lối sống của Người vậy. Đó là tấm gương anh Hùng, chị Hồng (Phòng Bảo quản), những người ngày ngày bắt đầu công việc dọn dẹp, trưng bày, bảo quản hiện vật từ 6 giờ và làm việc đến tận 18 giờ. Đó là thuyết minh viên Phạm Ngọc Lan tại di tích Nhà quê nội Bác Hồ, tận tụy giúp hàng triệu người Việt Nam hiểu hơn cuộc sống thời niên thiếu của Bác. Luôn trăn trở làm thế nào để Khu di tích Kim Liên trở thành trường học trực quan giáo dục tư tưởng, đạo đức, tác phong của Hồ Chủ tịch cho các thế hệ người Việt Nam, chị Phạm Ngọc Lan đã dành thời gian đọc thêm rất nhiều tư liệu, sách báo về Bác Hồ và gia đình Bác để có thêm kiến thức cho công việc hướng dẫn khách tham quan. Đó là Võ Văn Mến, từ hai bàn tay trắng làm nên thương hiệu quà lưu niệm xứ Nghệ, đưa vào đó hình ảnh quê hương Nam Đàn, tượng Bác Hồ, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trên chất liệu lụa, góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh tới nhân dân trong nước và quốc tế.

Niềm vui trên quê hương chung
Ông Nguyễn Bá Hòe, Giám đốc Khu di tích Kim Liên cho biết: Chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu di tích Kim Liên đã hoàn thành công việc trùng tu, tôn tạo một số công trình để đón đồng bào cả nước và du khách quốc tế về thăm: Nhà thờ họ Nguyễn Sinh, nhà cụ Nguyễn Sinh Nhậm - ông nội Bác Hồ, nhà cụ cử nhân Vương Thúc Quý - thầy dạy học của Bác, Giếng Cốc, Lò rèn Cố Điền, cây đa, sân vận động Làng Sen - nơi Bác Hồ nói chuyện với nhân dân Kim Liên, nhân dân Nam Đàn trong hai lần Bác về thăm quê... Riêng khu tưởng niệm, hiện vật được trưng bày theo các chủ đề: Quê hương, gia đình thời niên thiếu của Bác Hồ; Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm quê; Nghệ An thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh… giúp đồng bào và du khách cảm nhận được đầy đủ hơn về tầm vóc vĩ đại mà rất đỗi bình dị của Bác. Ngoài ra, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tài trợ xây dựng hệ thống tưới nước tự động, Công an tỉnh Nghệ An đã trồng một vườn cây xanh, còn Ngân hàng TMCP Bắc Á thì tài trợ vườn hoa làm đẹp cho cảnh quan di tích…

Ông Cao Đăng Vĩnh, Giám đốc Sở VH,TT&DL Nghệ An khẳng định: Tỉnh đang có dự án quy hoạch, phục dựng lại toàn cảnh làng Sen của những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Bên cạnh đó, tỉnh đang làm thủ tục đề nghị các cơ quan trung ương công nhận Khu di tích Kim Liên là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Gặp người xứ Nghệ gần 100 lần đóng vai Bác Hồ
Hình tượng Bác Hồ trong chương trình khai mạc Lễ hội Làng Sen 2010 do nghệ sĩ Hồng Dương, Nhà hát Dân ca Nghệ An thủ vai. Anh vào vai Bác Hồ ngọt đến thế là nhờ trời phú cho chất giọng xứ Nghệ đặc trưng, sự khổ luyện và ngoại hình tương đối giống Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sinh năm 1969 trong gia đình có truyền thống làm nghệ thuật nên Hồng Dương mang trong mình đam mê nghệ thuật từ nhỏ. Năm 1998, tốt nghiệp Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh loại giỏi, anh đã từ chối nhiều lời mời của các đoàn nghệ thuật TƯ để về quê cha, đất mẹ cống hiến tài năng. Ngay năm đầu công tác, anh đã được Đoàn Dân ca Nghệ An tin tưởng giao cho vai diễn thể hiện hình tượng Bác Hồ trong chương trình sử thi nghệ thuật: "Danh nhân lớn lên từ câu hò ví dặm". Sau vai diễn ấy, Hồng Dương tiếp tục được mời ra Hà Nội tham gia đóng vai Bác Hồ trong bộ phim "Bác về". Tiếp đó, anh được mời lồng tiếng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bộ phim "Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông"... Đặc biệt, năm 2008, để phát động phong trào thi đua "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", Nhà hát Dân ca Nghệ An đã dàn dựng vở diễn "Lời Người, lời của nước non" công diễn trên 56 tỉnh, thành phố trong nước. Trong vở diễn này, nghệ sĩ Hồng Dương tiếp tục được phân vai thể hiện hình tượng Bác Hồ xuyên suốt từ năm 1946 đến lúc lâm chung. Đó cũng là vai diễn thành công nhất của Hồng Dương trong gần 100 lần đóng vai Hồ Chủ tịch.

Minh Ngọc