Đã có... “án lệ”

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:13, 17/05/2010

(HNM) - Theo khảo sát của các công ty nghiên cứu thị trường có uy tín, các nhà chế biến sữa bột nhập khẩu hiện nay thường thu về từ 22% đến… 86% lợi nhuận. Giá sữa đã bị đẩy lên gấp bốn lần giá nhập khẩu.

So sánh với các thị trường khác, theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), một số sản phẩm của các hãng Mead Jonhson, Friso... bán tại Việt Nam có giá cao hơn tại Thái Lan, Malaysia, Indonesia từ 20% đến 60%.

Một trong những lý do quan trọng dẫn đến tình trạng "bong bóng giá sữa" là Việt Nam phải nhập khẩu tới hơn 70% sữa, bao gồm cả nguyên liệu và thành phẩm. Cũng theo khảo sát, các hãng được nhập khẩu nhiều như Mead Johnson, Nestlé, Dumex, Wyeth, XO… có giá thành cao gấp từ 2 đến 4 lần sữa nội địa và chiếm thị phần lớn. Đồng thời, số đầu mối nhập khẩu, sản xuất, chế biến sữa ít đã dẫn tới tình trạng khống chế giá trên thị trường, làm giá luôn cao… Còn các "nhà sữa" giải thích khi thì giá đầu vào tăng, lúc thì chi phí khuyến mãi lớn…

Chuyện giá sữa cao không phải điều gì mới mẻ, người tiêu dùng thậm chí còn ngạc nhiên nếu thị trường sữa "yên ả" được lâu lâu. Vấn đề là mức giá cao như thế nào, đồng thời các doanh nghiệp đã sử dụng những phương thức nào để đội giá sữa thì nay câu trả lời đã tương đối rõ ràng. Trước đây không lâu, Bộ Tài chính đã viện đến các biện pháp mang tính hành chính nhằm quản lý giá sữa nhưng vô hiệu. Giá sữa vẫn tăng, chỉ có tăng và tăng; rất hiếm "nhà sữa" giảm giá, nếu có cũng chỉ… "nhỏ giọt". Liệu chúng ta còn biện pháp nào khác để "gò" các nhà kinh doanh sữa?

Tại các thị trường khác, đã có nhiều "án lệ", đáng để… áp dụng.

Năm 2005, Chính phủ Italia phạt các hãng sữa đa quốc gia gần 5 triệu euro vì đã cấu kết để đẩy giá sữa lên cao hơn bình thường so với các nước trong khu vực. Trong số bị phạt có những cái tên như Nestlé Italia, Abbott S.p.A. Trước đó, hãng Abbott đã phải trả 32 triệu USD để dàn xếp chấm dứt các cáo buộc ấn định giá (ở mức cao) tại 17 tiểu bang của Mỹ vào năm 1996.

Tại Việt Nam, chuyện nhiều "nhà sữa" nước ngoài vào làm xiếc là điều không có gì phải bàn cãi. Trong khi cơ chế quản lý giá theo mệnh lệnh hành chính vừa không phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường vừa không có tác dụng, trong khi các tuyên bố từ phía cơ quan quản lý không đủ để răn đe "nhà sữa". Vì vậy, việc áp dụng "án lệ" như nhiều nước đã làm là giải pháp phải được tính đến. Và nếu có thể, cần áp dụng đối với cả các hãng dược phẩm "mua 1 bán 5" bị công luận phanh phui gần đây.

Trung Hưng