Đọng lại những gì?

Thể thao - Ngày đăng : 07:29, 16/05/2010

(HNM) - Mang tiếng giải bóng bàn vô địch quốc gia, lại trong khuôn khổ Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VI, tuy nhiên sân chơi đỉnh cao của bóng bàn, nội dung

“Lão tướng” Đoàn Kiến Quốc vẫn tung hoành tại Giải bóng bàn vô địch quốc gia 2010.


Ồn ào sang nhượng
Giải là sân chơi được đặt nhiều kỳ vọng, vì đây là cơ hội cho các tay vợt thành viên đội tuyển bóng bàn quốc gia cọ xát để chuẩn bị cho những giải đấu rất quan trọng trong năm 2010 như Ðại hội Thể thao châu Á (ASIAD 16) tại Trung Quốc, Giải vô địch bóng bàn thế giới tại Nga và Giải vô địch bóng bàn Ðông Nam Á tại Indonesia. Và cũng là lần đầu tiên, một giải vô địch quốc gia môn bóng bàn có sự chuyển nhượng cầu thủ. Tiếc là sự chuyển nhượng ồ ạt của mùa giải có Đại hội TDTT được hiểu là cuộc săn tìm huy chương vì thế không tránh khỏi những bất cập. Đáng nói nhất là 2 cây vợt lớn tuổi và đang ở ngôi cao của nội dung này là Vũ Mạnh Cường và Đoàn Kiến Quốc đã nằm trong cơn lốc chuyển nhượng: Vũ Mạnh Cường 40 tuổi, hiện là HLV của CLB T&T Hà Nội đầu quân cho Vĩnh Long, còn Kiến Quốc - tay vợt hàng đầu, từ CLB Tập đoàn Dầu khí đã về với Hà Nội để hợp sức với bộ ba: Tuấn Quỳnh, Nam Hải, Huy Hoàng.

Không có nhiều bất ngờ
Nội dung đồng đội nam, nữ đã không có bất ngờ khi các đội Quân đội và Hà Nội gặp lại nhau ở trận chung kết đồng đội nam, Quân đội và TP Hồ Chí Minh chung kết đồng đội nữ. Dấu ấn trẻ, nếu có thể nói như thế, là việc tay vợt Lý Tiểu Lân của đội Tiền Giang đã thắng cả 2 "lính lê dương" có tên tuổi là Vũ Mạnh Cường và Đoàn Kiến Quốc trong các trận đấu nội dung này. Sự lên ngôi của Hà Nội (nam), TP Hồ Chí Minh (nữ) hoàn toàn trong dự đoán của giới chuyên môn.

Trong các giải đôi, cặp Tuấn Quỳnh - Nam Hải (Hà Nội) tỏ ra không có đối thủ khi tiếp tục áp đảo quần hùng để giành HCV, tương tự, cặp Đinh Quang Linh - Lương Thị Tám của Quân đội đã lấy HCV sau khi vượt qua đồng đội Xuân Nam - Vũ Thị Hà. Tại nội dung đôi nữ, Xuân Hằng và Mỹ Trang đã giúp đoàn TP Hồ Chí Minh có tấm HCV thứ 2 và tất cả những kết quả này xem như không mang tính bất ngờ.

Một số bất ngờ chỉ xuất hiện trong giải đơn nam. Đầu tiên là việc tay vợt trẻ Trần Huy Bảo của TP Hồ Chí Minh đã xuất sắc vượt qua Trần Tuấn Quỳnh (Hà Nội) để bước vào trận chung kết với lão tướng Đoàn Kiến Quốc; bên cạnh đó là chiến thắng của Phan Huy Hoàng (Hà Nội) trước niềm hy vọng số 1 của bóng bàn quân đội là Đinh Quang Linh. Cũng ở giải đơn, tay vợt cắt bóng Nguyễn Việt Linh (Bộ Công an) đã không thể gây bất ngờ là thắng 2 tay vợt hàng đầu của TP Hồ Chí Minh (Mỹ Trang, Xuân Hằng) song vào được đến bán kết vẫn là thành công của cô gái này.

Đôi điều còn lại
Giải đã kết thúc, 3 đơn vị TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và Quân đội lần lượt giành các ngôi vị cao nhất và những đơn vị khác như Bộ Công an, Hải Dương, Tiền Giang, Vĩnh Long ít nhiều có những thu hoạch riêng cho mình. Tuy nhiên, đáng suy nghĩ là việc Ban tổ chức giải đã quá đơn giản và sơ lược trong cách điều hành sân chơi tầm cỡ của bóng bàn Việt Nam. Thứ nhất là điều lệ thi đấu phổ biến chậm, từ quy chế chuyển nhượng đến việc kiểm tra mặt vợt bằng máy. Thứ hai, những khúc mắc của một số đơn vị trước và trong quá trình thi đấu đã không nhận được sự hỗ trợ của Ban tổ chức, điều này khiến một số đơn vị bị ảnh hưởng khi tham gia giải.

Về chuyên môn, giải không xuất hiện nhân tố mới nào, trái lại những lão tướng như Mạnh Cường, Kiến Quốc vẫn đủ sức gây khó dễ cho các đối thủ hoặc đủ tài để giành vô địch đơn nam như Đoàn Kiến Quốc cho thấy BBVN hiện đang giậm chân tại chỗ. Thế mới đáng lo cho bóng bàn nam Việt Nam.

A Ma Lâm