Sau dịch, nằm bẹp luôn

Kinh tế - Ngày đăng : 06:58, 16/05/2010

(HNM) - Đến thời điểm này, dịch lợn tai xanh về cơ bản đã được kiểm soát nhưng người chăn nuôi vẫn khốn đốn, người buôn bán vẫn méo mặt và người tiêu dùng vẫn phải nhịn miệng.

Nhà nhà đang bảo nhau tạm... "nói không" với thịt lợn. Các chợ ế ẩm. Ngay tại các siêu thị bán thực phẩm tươi sống có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng như Fivimart, Maximart, BigC... thịt lợn cũng được tiêu thụ rất kém. Những món khoái miệng có "dây mơ rễ má" đến lợn bị vạ lây, như nem chẳng hạn. Trong khi như trên đã nói, dịch lợn tai xanh về cơ bản đã được kiểm soát. Quan trọng hơn, dịch tai xanh không lây lan từ lợn sang... người (tất nhiên, các chuyên gia y tế khuyến cáo tuyệt đối không ăn thịt lợn bệnh vì nguy cơ nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn).

Lý do chính là hầu như 100% người tiêu dùng không thể phân biệt thịt lợn sạch và thịt lợn bệnh, cũng như không mấy tin cơ quan kiểm dịch và cơ quan đóng vai trò kiểm soát thị trường. Chẳng hạn, riêng tại Hà Nội, nguồn cung tại chỗ chỉ bảo đảm một phần nhu cầu và chủ yếu phải nhập từ các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hưng Yên... Thịt gia súc, gia cầm từ các tỉnh chuyển về Hà Nội thì khâu kiểm dịch tại các trạm, chốt lại lỏng lẻo... Ngay ở Hà Nội, công tác kiểm dịch tại các lò giết mổ cũng không bảo đảm khi tốc độ giết mổ nhanh tới mức nhân viên kiểm dịch đóng dấu không kịp (chưa nói tới chuyện... kiểm tra). Tại các thị trường có sức tiêu thụ lớn khác như TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng... tình trạng diễn ra tương tự.

Năm 2005, khi dịch cúm gia cầm bùng phát, thịt gia cầm bị tẩy chay, để trấn an người dân, khuyến khích tiêu thụ, Thủ tướng Thái Lan khi đó là ông Thaksin Sinawatra đã lên truyền hình "thị phạm" thưởng thức thịt gà. Hiệu quả thấy rõ khi tiêu thụ thịt gia cầm sau đó tăng vọt. Vấn đề ở chỗ người Thái có cơ sở để đặt lòng tin bởi quy trình chăn nuôi - giết mổ - kinh doanh của họ được quản lý hết sức chặt chẽ.

Theo thống kê, đàn lợn cả nước hiện xấp xỉ 28 triệu con, hàng triệu hộ sống nhờ vào chăn nuôi lợn. Không phải đến giờ dịch bệnh mới xảy ra. Lẽ ra, đây là một trong những lý do thúc đẩy ngành chăn nuôi phải thay đổi quy trình sản xuất thì ngược lại, chăn nuôi vẫn manh mún, nhỏ lẻ, giết mổ vẫn không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch vẫn lỏng lẻo...

Thế là, sau mỗi lần dịch, người chăn nuôi... nằm bẹp luôn và các cơ quan chức năng tha hồ có lý mà tổng kết rằng: "Năm qua, dịch bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng...".

Cận Giao Thương