Dự thảo thu phí bảo trì đường bộ qua xăng, dầu: Còn nhiều băn khoăn

Đời sống - Ngày đăng : 07:09, 15/05/2010

(HNM) - Ngay sau khi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) công bố dự thảo "Quỹ bảo trì đường bộ" bằng việc thu phí ô tô, xe máy qua xăng dầu, dư luận lại "nóng" lên.

Có ý kiến cho rằng việc thu phí đường bộ là cần thiết nhưng cũng có ý kiến thắc mắc, băn khoăn vì nhiều cá nhân, tổ chức sử dụng xăng dầu để sản xuất, không trực tiếp tham gia giao thông. Hơn thế, trên các trục quốc lộ vẫn tồn tại các trạm thu phí, nếu áp dụng tiếp việc thu phí bảo trì đường bộ sẽ nảy sinh hiện tượng "phí chồng phí". Liệu hệ thống giao thông của Việt Nam có được cải thiện nhờ việc thu phí này? Dưới đây, Báo Hànộimới xin trích đăng ý kiến của một số bạn đọc.

Ông Vương Đức Tuyền (nhà N03 Khu đô thị Mỹ Đình, huyện Từ Liêm):
Thu phí để nâng cao chất lượng đường sá...

Tôi đã đi công tác ở nhiều nước trên thế giới, hầu hết các nước đều thực hiện việc thu phí nhằm duy tu, bảo trì hệ thống giao thông (cả đường thủy lẫn đường bộ). Theo tôi, đầu tư xây dựng cơ bản về lĩnh vực giao thông rất tốn kém. Nếu không có nguồn kinh phí hỗ trợ, chỉ trông chờ vào nguồn vốn ngân sách, e rằng hệ thống đường sá của Việt Nam ngày càng bị xuống cấp trong khi đất nước muốn phát triển, phải có hệ thống giao thông thật tốt. Theo tính toán của Bộ GTVT, nếu áp dụng phương án thu phí bảo trì đường bộ, mỗi năm quỹ này sẽ thu khoảng gần 3 nghìn tỷ đồng. Số tiền này sẽ giải quyết được rất nhiều việc, đồng thời giảm nhẹ gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Ông Duy Đức Tuấn (Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đầu tư tài chính Thái Bình Dương):
Không tham gia giao thông, sao lại bị thu phí?

Tôi đã nghiên cứu dự thảo "Quỹ bảo trì đường bộ" do Bộ GTVT xây dựng, trình Chính phủ xem xét, quyết định. Theo phương án Bộ đưa ra, nguồn kinh phí xây dựng quỹ này dựa trên việc thu phí ô tô, xe máy qua giá xăng dầu, mà cụ thể là 1.000 đồng/lít. Tôi tán thành với quan điểm của Bộ GTVT, đã tham gia giao thông thì phải chịu phí. Tuy nhiên, với những người không tham gia giao thông, họ mua xăng dầu để phục vụ sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp thì tại sao lại phải gánh chịu khoản phí này? Đây là vấn đề Bộ GTVT cần cân nhắc.

Ông Vũ Đức Duy (phố Đông Tác, phường Kim Liên, quận Đống Đa):
Liệu phí có chồng lên phí?

Tôi thấy hiện nay trên tất cả các tuyến quốc lộ đều tồn tại các điểm thu phí. Với việc thu phí ô tô, xe máy qua xăng dầu, việc thu phí đường bộ nghiễm nhiên thực hiện hai lần, đã bị tính vào giá xăng dầu rồi nhưng khi qua trạm thu phí lại mất thêm lần nữa, gây khó khăn cho người dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp. Theo tôi, Bộ GTVT cần thu về một mối, đã lập trạm thu phí thì thôi tính vào giá bán xăng dầu. Có thể tăng thêm phí đường bộ hiện đang áp dụng tại các trạm thu phí chứ không nên thu phí qua xăng dầu. Làm như vậy, vừa gây mất công bằng giữa người tham gia giao thông thực sự với người mua xăng dầu chỉ để sản xuất, vừa làm nảy sinh tình trạng hỗn phí.

Bà Quách Dương Loan (khu tập thể Bộ Công an, phố Đào Tấn, quận Ba Đình):
Thu phí rồi, nếu đường sá vẫn xấu thì Bộ GTVT phải chịu trách nhiệm...

Tôi nghĩ rằng, để có một hệ thống giao thông tốt, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của xã hội thì việc người dân cùng Nhà nước tham gia đóng góp xây dựng "Quỹ bảo trì đường bộ" là việc nên làm. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, Bộ GTVT cần tính toán đến hiệu quả, sử dụng quỹ sao cho đúng mục đích. Theo tôi, Bộ GTVT cần cam kết với Chính phủ và người dân, sau khi áp dụng thu "Quỹ bảo trì đường bộ" một thời gian, bộ mặt giao thông của Việt Nam phải được cải thiện bằng những tiêu chí cụ thể. Nếu thu phí rồi mà đường sá vẫn xấu thì Bộ GTVT phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Ban bạn đọc