Không thể phó mặc cho các tổ chức bên ngoài

Xe++ - Ngày đăng : 06:50, 14/05/2010

(HNM) - Theo Hội Tin học Việt Nam (VAIP), cách tính toán và kết quả được đưa ra tại báo cáo về vi phạm bản quyền phần mềm (BQPM) toàn cầu 2009, trong đó có Việt Nam, do Liên minh Phần mềm doanh nghiệp (BSA) và Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDC) chuẩn bị công bố chưa thể hiện được sự nỗ lực thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam cũng như doanh nghiệp và cộng đồng trong việc nâng cao nhận thức, tôn trọng BQPM ở nước ta những năm gần đây.

Cách tính không có cơ sở thuyết phục

Từ năm 2003, hằng năm BSA - IDC tiến hành nghiên cứu và công bố báo cáo về vi phạm BQPM toàn cầu. Theo cách đánh giá này, dù chưa công bố chính thức về số liệu năm 2009 nhưng nhiều nguồn tin cho biết, tỉ lệ vi phạm BQPM ở nước ta vẫn ở mức tương đương với năm 2007, 2008 là 85%.

Đoàn thanh tra liên ngành và Cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) tiến hành thanh tra một doanh nghiệp vi phạm bản quyền phần mềm.

Được biết, các phần mềm nằm trong báo cáo điều tra này bao gồm một số phần mềm được cài đặt và sử dụng trên máy tính cá nhân như: hệ điều hành, phần mềm văn phòng, phần mềm ứng dụng và phát triển, phần mềm diệt virut, phần mềm thương mại và một số phần mềm khác. BSA - IDC chỉ tính tỉ lệ dựa trên máy tính cá nhân, không bao gồm các phần mềm sử dụng trong các hệ thống thiết bị khác như điện thoại di động, máy chủ và máy tính lớn.

Ông Nguyễn Long, Tổng Thư ký VAIP cho biết: Báo cáo của BSA - IDC không có cơ sở thuyết phục, cả về phương pháp tính cũng như cách thu thập số liệu. Cụ thể, hai tổ chức này đã không tính tới phần mềm nguồn mở (có giá trị bằng 0), bỏ qua các nỗ lực của Chính phủ và cộng đồng trong việc thúc đẩy quá trình sử dụng phần mềm nguồn mở vốn đang được khuyến khích sử dụng. Bằng cách tính của mình, BSA - IDC chưa đề cập đến các phần mềm tặng, sử dụng miễn phí (các phần mềm diệt virut khi mua máy tính mới) hoặc các gói phần mềm thuộc các dự án hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực sử dụng máy tính...

Dựa trên kết quả nghiên cứu của mình, VAIP ước tính tỉ lệ vi phạm BQPM ở Việt Nam năm 2009 đã giảm tới 10% so với năm trước, tức vào khoảng 75%. Chỉ số ấy cho thấy bước tiến rõ rệt về chống vi phạm bản quyền - điều rất có ý nghĩa trong điều kiện kinh tế - xã hội ở Việt Nam.

Những nỗ lực không thể phủ nhận

Ông Nguyễn Long cho biết thêm, hai, ba năm trở lại đây, hầu hết cơ quan hành chính, khối giáo dục, các doanh nghiệp ở Việt Nam đã có bước chuyển biến mạnh mẽ về tôn trọng bản quyền. Cụ thể, Chính phủ đã tiên phong mua BQPM văn phòng của Microsoft. Nhiều doanh nghiệp lớn như FPT, CMC, Viettel, đặc biệt là khối ngân hàng đã dành nhiều triệu USD để mua bản quyền.

Ông Bùi Hữu Cư, Chủ tịch CLB Doanh nghiệp tin học Hà Nội, nơi tụ họp đại diện 50 công ty bán lẻ máy tính trên địa bàn ước tính số máy tính nhập khẩu đã cài sẵn phần mềm Microsoft có bản quyền vào khoảng 70-80%. Số còn lại được cung cấp sẵn phần mềm nguồn mở Linux. Nhiều công ty bán lẻ và lắp ráp máy tính cũng chủ động mua phần mềm ứng dụng với giá ưu đãi để cài sẵn trong số máy tính được bán ra thị trường. "Gần như 100% máy tính xách tay bán ra ở Việt Nam đã được cài sẵn phần mềm diệt virut có bản quyền" - ông Bùi Hữu Cư nhấn mạnh.

Chính phủ Việt Nam, thông qua các cơ quan thực thi pháp luật đã nhiều lần xử phạt thích đáng hành vi vi phạm BQPM của một số tổ chức, doanh nghiệp. Thống kê sơ bộ cho thấy năm 2008, Việt Nam đã chi phí khoảng 47 triệu USD (năm 2009 là 62 triệu USD) để có được quyền sử dụng BQPM hợp pháp. Ngoài ra, Chính phủ cũng giao Bộ VH-TT&DL thường xuyên nhắc nhở các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh thực thi cam kết tôn trọng bản quyền theo thông lệ quốc tế. Chính vì thế, những chỉ báo dẫn đến nhận định 3 năm liên tiếp tỉ lệ vi phạm BQPM ở Việt Nam không giảm là một sự ngạc nhiên đối với nhiều chuyên gia trong ngành. Thậm chí, không ít người nghi ngờ, đặt câu hỏi rằng, số liệu vi phạm BQPM ở mức 85% được đưa ra có phải là nhằm mục đích gây sức ép đối với Việt Nam khi mua BQPM của các tập đoàn đa quốc gia nào đó?

Được biết, VAIP sẽ có văn bản gửi các cơ quan chức năng để kiến nghị đưa ra phản biện đối với báo cáo của BSA - IDC năm 2009 nhằm đánh giá sát thực tế, góp phần tạo đà phát triển cho ngành công nghệ thông tin Việt Nam. Sự việc nêu trên cũng cho thấy, đã đến lúc Việt Nam nên có báo cáo BQPM độc lập chứ không nên phó mặc việc đó cho các tổ chức bên ngoài.

Thế Dũng