Chiến dịch giải cứu các hồ nội thành Hà Nội: Cần những giải pháp đồng bộ

Đời sống - Ngày đăng : 06:29, 14/05/2010

(HNM) - Tiếp tục thực hiện

Một góc hồ Trúc Bạch. Ảnh: Dàm Đuy


* Ông Nguyễn Văn Hùng, ngõ 21 phố Nguyễn Chí Thanh: Hồ Ngọc Khánh cảnh quan chưa đẹp...
Cách đây hơn chục năm, nước hồ Ngọc Khánh rất trong. Nhiều người dân với thói quen xả rác, nước thải bừa bãi xuống hồ, làm cho nước hồ bị chuyển màu và bốc mùi hôi thối, nhất là vào những ngày thời tiết thay đổi. Từ khi hồ được nạo vét đến nay, nhiều bè thủy trúc được thả xuống, nước hồ đang dần trong xanh trở lại, mùi hôi đã giảm dần. Sáng nào đi tập thể dục, tôi cũng thấy công nhân môi trường cần mẫn vớt rác. Chỉ tiếc rằng, tình trạng hàng quán lấn chiếm đường dạo ven hồ lại bùng phát. Giá như chính quyền địa phương và cơ quan chức năng quan tâm đến việc giữ gìn an ninh trật tự xung quanh hồ thì cảnh quan nơi đây thật đẹp...

* Bà Trần Thị Doanh, tổ 44 phường Kim Liên, quận Đống Đa: Hồ nhỏ ảnh hưởng đến hồ lớn...
Hồ lớn Kim Liên đã được kè bờ, nạo vét, đang được thả bèo tây để làm sạch mặt nước. Sau một thời gian, nước trong hồ đã chuyển từ màu đen sang màu xanh lục, ít mùi hôi hơn trước. Thế nhưng so với trước đây, chất lượng nước chưa được cải thiện là mấy, nguyên nhân là do nước từ hồ nhỏ Kim Liên chưa được cải tạo vẫn hằng ngày tràn sang. Mặc dù đã có trạm xử lý nước thải, nhưng mỗi ngày có hàng chục ngàn mét khối nước thải chảy vào thì làm sao mà sạch được. Do vậy, để nước hồ Kim Liên được sạch, cần phải giải quyết tận gốc, nghĩa là cải tạo, nạo vét cả hồ nhỏ và không để nước thải chảy trực tiếp vào hồ...

* Ông Lê Lâm, khu tập thể Nam Đồng, quận Đống Đa: Giữ sạch hồ là trách nhiệm của cả cộng đồng dân cư...
Hồ Xã Đàn là lá phổi xanh của một khu vực dân cư đông đúc vào loại bậc nhất của Hà Nội. Thời điểm nào lá phổi này ốm yếu, nước hồ bốc mùi, rác nổi lềnh phềnh, chúng tôi cũng ốm lây. Giờ thì đã khá hơn rất nhiều, vào buổi chiều chúng tôi có thể hóng gió ở bờ hồ mà không phải nhăn mặt vì mùi xú uế. Nước hồ đã chuyển thành màu xanh, trong, có thể nhìn thấy cá bơi lội. Tuy nhiên, việc giữ gìn hồ không chỉ phụ thuộc vào các biện pháp áp dụng công nghệ của cơ quan chức năng hay sự mạnh tay của chính quyền địa phương, mà mỗi người dân đều phải có trách nhiệm. Không xả rác bừa bãi xuống hồ, không xâm phạm cảnh quan ven hồ là những việc ai cũng có thể làm được và phải làm. Hồ là tài sản chung của cả cộng đồng dân cư, không tự mình gìn giữ thì cũng chẳng có biện pháp nào đủ mạnh, đủ lâu dài để giữ được.

* Chị Trần Lan Dung, phố Trấn Vũ, quận Ba Đình: Cần tiếp tục có biện pháp xử lý nước hồ Trúc Bạch
Tôi vẫn chưa quên vụ hàng tấn cá chết trắng mặt hồ hồi cuối tháng 3-2010, mùi hôi thối lan khắp nơi. Sống ở đây đã gần 20 năm, vẫn thường xuyên chứng kiến hiện tượng cá chết mỗi khi trở trời, nhưng chưa bao giờ tôi thấy lượng cá chết nhiều đến thế. Mặc dù hồ Trúc Bạch đã được xây một trạm xử lý nước thải và vào thời điểm cá chết, trạm này vẫn hoạt động bình thường. Có thể đổ lỗi cho sự thay đổi của thời tiết, nhưng cốt yếu vẫn là trạm đã quá tải, không thể xử lý hết lượng nước thải quá nhiều, quá độc hại từ các nhà hàng, hệ thống cống nội thành hằng ngày vẫn tràn vào hồ. Trong thời gian qua, một số hồ khác đã áp dụng công nghệ sinh học để làm sạch nước hồ, kết quả rất khả quan, tôi mong hồ Trúc Bạch cũng sẽ được áp dụng thêm phương pháp làm sạch mới, hiệu quả hơn nữa...

Ban Bạn Đọc