Công diễn vở kịch kinh điển Brand (Na Uy)

Văn hóa - Ngày đăng : 17:54, 13/05/2010

(HNMO) - Nhân dịp Quốc khánh Vương quốc Na Uy, Nhà hát Tuổi trẻ phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Na Uy cho ra mắt vở kịch kinh điển Brand của Henrik Ibsen.

Một cảnh trong vở kịch.


(HNMO) - Nhân dịp Quốc khánh Vương quốc Na Uy, Nhà hát Tuổi trẻ phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Na Uy cho ra mắt vở kịch kinh điển Brand của Henrik Ibsen. Buổi tổng duyệt của vở kịch sẽ diễn ra vào hồi 20h ngày 15/5/2010 tại Nhà hát Tuổi trẻ. Các buổi công diễn tiếp theo sẽ vào các ngày 16, 18, 19, 20 tháng 5/2010.

Vở kịch “Brand” của tác giả Ipxen là một trong 6 vở kịch đã được dịch giả Tuấn Đô (Cố nhà văn Đoàn Phú Tứ) chuyển dịch ra tiếng Việt, được xuất bản năm 1971, từ lâu đã được đông đảo công chúng Việt Nam yêu thích và biết đến như một tác phẩm mang nhiều dấu ấn tư tưởng đặc trưng trong quá trình sáng tác của Ibsen.

Từ năm 2006 đến nay, Nhà hát Tuổi trẻ đã hợp tác với Đại sứ quán Hoàng gia Na-Uy dàn dựng và biểu diễn rất thành công tác phẩm “Nhà búp bê” của Ibsen. Năm 2009, Nhà hát Tuổi trẻ tiếp tục dàn dựng vở kịch “Brand” – một tác phẩm sân khấu được đánh giá xuất sắc nhất trong sự nghiệp sáng tác của Ibsen - với sự hợp tác của Đại sứ quán Hoàng gia Na-Uy nhằm mang lại một cơ hội tốt đẹp để giới thiệu một cách có hệ thống các tác phẩm sân khấu của nhà viết kịch nổi tiếng thế giới Ibsen với đông đảo khán giả yêu sân khấu Việt Nam cũng như về nền văn hoá, đất nước và con người Na Uy.

Henrich Ipxen (Henrik Ibsen) (1828 -1906) đã viết hơn hai mươi vở kịch, có thể chia làm hai thời kỳ. Thời kỳ thứ nhất, là thời kỳ những vở kịch lãng mạn anh hùng dựa vào lịch sử Na-uy và truyền thuyết dân gian, hoặc có liên hệ với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Na-uy, và cuộc vận động cách mạng 1848 sôi sục khắp châu Âu.

Vở ”Brand” đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong toàn bộ tác phẩm của Ipxen, đánh dấu sự chấm dứt một thời kỳ sáng tác đầu tiên, để chuyển sang một thời kỳ mới, rực rỡ và phong phú. Đồng thời nó cũng đánh dấu bước đầu của vinh quang văn học của ông, với hai vở kịch này, tên tuổi ông được vinh danh lừng lẫy trong khối Xcanđinavi và trên toàn Châu Âu.

Ông viết vở kịch “Brand” (1866), dựng lên nhân vật Brand, một mục sư trẻ tuổi, có chí khí cương trực, không chịu a dua và bị chi phối bởi quyền lực thế tục và thần quyền, hành động độc lập, với một quan niệm đạo đức cao cả, khắc nghiệt đối với cả bản thân và những người thân thiết nhất (mẹ, vợ và con); một con người tự thấy mình có một thiên hướng, một sứ mệnh cần phải kiên trì thực hiện, là dìu dắt nhân dân lên những đỉnh cao của cuộc sống tinh thần.

Vở “Brand” tạo nên tiếng vang trong dư luận xã hội ở tất cả các nước bắc Âu lúc bấy giờ qua sự miêu tả cuộc xung đột giữa ý thức tư tưởng của những phần tử trí thức thuộc giai cấp tư sản và những yêu cầu xã hội thực tế phát sinh trong đời sống đương thời của Na Uy.

H.H