Vị đắng mía đường
Kinh tế - Ngày đăng : 06:43, 13/05/2010
Giá đường không ổn định, người trồng mía gặp nhiều khó khăn. |
Giá đường bất thường
Bộ NN&PTNT cho biết, từ đầu năm đến nay giá đường thế giới có xu hướng tăng, lên tới 738 USD/tấn. Ở trong nước, có thời điểm người tiêu dùng phải mua đường với giá từ 21 nghìn đến 22 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, theo Cục Chế biến nông - lâm - thủy sản và nghề muối, từ tháng 4 và sang đầu tháng 5, giá đường thế giới lại giảm 52%, hiện giá giao dịch tại New York còn 356 USD/tấn. Trước sức ép này, giá đường trong nước xuất tại kho của các nhà máy phải hạ nhiệt, xuống còn 13,5 nghìn đến 14 nghìn đồng/kg, nhưng giá bán lẻ ngoài thị trường vẫn ở mức 17 nghìn đến 17,5 nghìn đồng/kg.
Trước tình hình này, ông Đoàn Xuân Hòa, Phó cục trưởng Cục Chế biến nông - lâm - thủy sản và nghề muối nhận định, giá đường ngoài thị trường có dấu hiệu bất thường khi một số nơi đã lợi dụng để té nước theo mưa. Bất thường ở chỗ, thời điểm này là chính vụ, cộng với lượng đường tồn kho lớn, song giá đường lại tăng cao đột biến. Theo mức cân đối cung cầu sản xuất mía đường niên vụ này thì tình trạng thiếu hụt đường vào cuối năm vẫn sẽ tiếp diễn. Dự báo, tổng lượng đường sản xuất niên vụ 2009-2010 đạt khoảng 984 nghìn tấn, giảm so với niên vụ trước là 5.000 tấn, như vậy, nếu mức tiêu thụ đường năm nay chỉ giữ như năm trước thì lượng đường hiện có không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, dự kiến sẽ thiếu hụt khoảng 300 nghìn tấn.
Đối phó với tình hình này, Chính phủ đã đồng ý nâng mức hạn ngạch nhập khẩu đường. Việc cân đối về nhập khẩu đường sẽ được bổ sung, xem xét và quyết định vào tháng 7-2010. Được biết, tổng hạn ngạch đã cấp trong năm nay là 200 nghìn tấn. Bộ NN&PTNT cũng cho biết, Tổ chức Đường thế giới (ISO) đã dự báo sản lượng đường thế giới niên vụ 2009-2010 đạt 157,2 triệu tấn, so với nhu cầu tiêu dùng là 166,6 triệu tấn, tức năm nay sẽ thiếu hụt khoảng 9,4 triệu tấn đường.
Năng suất thấp, sản lượng giảm
Bà Phạm Thị Sum, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đường Biên Hòa cho rằng: Mặc dù đã có 15 năm phát triển nhưng đến nay, ngành mía đường đang thụt lùi, so với 2 đến 3 năm trước, sản lượng mía đường đã giảm khoảng 40 đến 45%. Hiện, dù đang vào vụ sản xuất chính, song các nhà máy vẫn thiếu nguyên liệu trầm trọng. Chỉ có 60 đến 70% nhà máy hoạt động được 80% công suất, 5% hoạt động được 21% công suất. Đáng nói, trong 3 năm trở lại đây, ngành mía đường chỉ tăng về số lượng, quy mô nhà máy sản xuất, nhưng diện tích trồng mía, sản lượng mía và sản lượng đường đều tụt giảm. Năng suất cây mía của Việt Nam rất thấp, chỉ bằng 73% so với Trung Quốc.
Theo ông Phan Huy Thông, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, tình trạng này là do các nhà máy sản xuất ít quan tâm đầu tư phát triển vùng nguyên liệu và đặc biệt là tình trạng tranh mua, tranh bán giữa các nhà máy diễn ra gay gắt, dẫn đến thu mua mía non. "Nếu các doanh nghiệp sản xuất đường không hợp tác với nông dân, không tăng giá thu mua mía nguyên liệu, đồng thời đầu tư vào vùng nguyên liệu thì trong vài năm tới, Việt Nam sẽ không còn mía để chế biến đường" - bà Phạm Thị Sum lo lắng.
Giáo sư Võ Tòng Xuân, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang, chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp, cũng nêu ra nhiều luận điểm đáng lo ngại cho thị trường mía đường Việt Nam. Theo ông: "Nếu chúng ta vẫn giữ cách tranh mua, tranh bán như hiện nay, ngành mía đường không thể phát triển bền vững được. Trong khi đó, bản thân vai trò của Hiệp hội Mía đường còn quá mờ nhạt, không có tiếng nói ngay cả với các thành viên trong hiệp hội". Nhiều ý kiến cũng cho rằng, xây dựng nhà máy đường thì phải xây dựng được vùng nguyên liệu. Như thế, doanh nghiệp sẽ có trách nhiệm với vùng nguyên liệu của mình để đẩy năng suất đường lên cao. Ngoài ra, Nhà nước nên quy định mỗi công ty mía đường phải công bố trọng lượng, giá trị thu mua… là bao nhiêu. Tất cả các đơn vị, nông dân đều có thể biết thông tin để tự do mua bán. Không có cơ quan nào kiểm tra chính xác bằng người nông dân trong việc này. Các nhà máy phải bảo đảm tính minh bạch, công khai và dẹp bỏ mọi tiêu cực để thu hút nông dân về với mình.