Hiểu thế nào cho đúng?

Xã hội - Ngày đăng : 06:37, 13/05/2010

(HNM) - Không chỉ đến khi nút giao đường Hoàng Hoa Thám - Văn Cao thuộc dự án đường Văn Cao - Hồ Tây dừng thi công để khai quật khảo cổ người ta mới biết rằng bên dưới lòng đất thuộc các quận Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng ngày nay là cả một kho di vật cổ. Cũng không phải duy nhất địa điểm đó mới là đại diện tiêu biểu nhất cho quá trình phát triển kỹ thuật đắp thành Thăng Long xưa...

Đường Văn Cao - Hồ Tây hiện tạm ngừng thi công. Ảnh: Bá Hoạt


Chiều 12-5, trao đổi với phóng viên Hànộimới, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc cho biết: Thành Thăng Long xưa đã kế thừa sự phát triển của nhiều tòa thành quy mô khác nhau trước đó, khởi đầu là năm Mậu Dần (618), khi Thái thú Giao Châu là Khâu Hòa "đắp thành nhỏ bên trong vòng quanh 900 bước để chống giữ quân Trường Châu". Đến nay, không có tư liệu nào để nói thời Lý đã đắp thành ở đường Hoàng Hoa Thám ngày nay, mà chỉ là truyền ngôn của người vùng Bưởi. Nếu nói nút giao đường Hoàng Hoa Thám là thành Đại La của Cao Biền đắp ở thế kỷ thứ IX thì cũng không phải. Cứ liệu lịch sử gần nhất nhiều người vẫn nhắc, bản đồ Hồng Đức năm 1490 cũng cho thấy đó là thành kép hai lớp xây bằng gạch và nằm ở phía Nam sông Tô Lịch. Nếu là thành xây gạch thì móng sâu tối đa nhất cũng chỉ là 1m...

Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc cho rằng: Đặt vấn đề khai quật tại nút giao đường Hoàng Hoa Thám thì phải đặt câu hỏi sẽ làm gì ở đây? Nếu là nghiên cứu về tòa thành thì có thể nhìn vào mặt cắt là nhận ra và điều chắc chắn là đất đắp thành mang từ nơi khác đến. Nếu là khảo cứu lớp dưới thì khu vực quận Ba Đình đâu đâu cũng có thể thấy di vật trong khi hiện vật ở đây cũng không phải là đại diện ưu tú nhất cho sự phát triển của Thăng Long xưa. "Tôi cho rằng, việc thành phố cho dừng thi công là cách làm thức thời, tôn trọng ý kiến phản biện. Nhưng vì lợi ích phát triển đô thị hiện đại thì việc xẻ một đoạn đường đó không có gì là không trân trọng lịch sử, không quá ảnh hưởng đến bảo tồn. Ta còn cả một đoạn dài từ đầu vườn Bách Thảo đến đê Bưởi để nghiên cứu sau này. Nếu ta quá "lệ cổ", khăng khăng đòi bảo tồn nguyên trạng ở địa điểm này thì sẽ hạn chế sự phát triển của Thủ đô" - ông Nguyễn Vinh Phúc nhấn mạnh.

Trao đổi với báo giới trước đó, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học Nguyễn Văn Hảo cũng cho rằng, có hai phương pháp bảo tồn di sản: bảo tồn tại thực địa hoặc hồ sơ hóa di tích rồi đưa vào bảo tàng, thư viện. Tùy từng việc cụ thể mà lựa chọn một trong hai phương pháp trên. Có trường hợp bên xây dựng phải "lùi" và cũng có trường hợp bên khảo cổ phải "lùi" vì mục tiêu chung của xã hội.

Nghiên cứu thực địa cho thấy, vật liệu đắp thành (đường Hoàng Hoa Thám ngày nay - PV), chủ yếu là đất, phải lấy từ nơi khác về vì liền kề với thành là sông Tô Lịch. Nếu có khai quật thì chủ yếu nghiên cứu việc cha ông đắp thành thế nào, cụ thể là vật liệu gì, đầm, nền thành ra sao. Những hiện vật phát hiện tại đường Hoàng Hoa Thám, nhất là có xuất hiện viên gạch thời Lê cho thấy vật liệu đắp thành được mang từ nơi khác đến và có niên đại muộn hơn so với viên gạch.

Bảo tồn và phát triển đòi hỏi phải trên lợi ích chung của cộng đồng. Ảnh: Thái Hiền


Ông Nguyễn Văn Hảo cho biết thêm, tại nút giao đường Hoàng Hoa Thám, việc đào sâu xuống tìm tầng văn hóa là không cần thiết. Khảo cổ không cần tham gia vào chỗ đã thi công nữa mà chỉ phối hợp với bên xây dựng khảo sát phần chưa thi công để vớt lại những gì còn lại. Xin nói thêm rằng, nếu căng ô để đào và tìm như những địa điểm cư trú thì sai phương pháp. Vì khảo cổ thành là phải làm theo một mặt cắt, cắt ngang qua thành để tìm hiểu từng lớp đất đá. Bởi thành không hình thành như những lớp đất ở những địa điểm cư trú, thành là đất đắp ồ ạt, có thể thời Lê chỉ đắp cao chừng này, thời sau lại đắp thêm cao lên, tạo thành những lớp có niên đại rất rõ...

Không khó để thấy rằng, sự phát triển đô thị Hà Nội từ trước đến nay đều dựa trên nền tảng có từ quá khứ, chứ không thể là quá trình giật lùi. Những công trình hiện đại đang làm cũng chính là đối tượng bảo tồn của các thế hệ sau này. Chính điều đó càng làm dày hơn vốn văn hóa, lịch sử của đô thị. Thủ đô đang trong quá trình phát triển mạnh cả về chiều rộng và chiều cao cũng là một tiến trình lịch sử không thể phủ nhận. Việc vừa phát triển vừa giữ được hồn cốt nghìn xưa để lại đòi hỏi phải đứng trên lợi ích chung của cộng đồng và lợi ích quốc gia. Đây chính là cách "trân trọng quá khứ" biện chứng, khoa học và khả thi nhất. Và điều đó cũng chứng minh trách nhiệm cao của chính quyền thành phố Hà Nội đối với quá khứ, hiện tại và tương lai.

Trà My