Tôn trọng dòng chảy lịch sử
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:29, 13/05/2010
Sự thận trọng này thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của lãnh đạo thành phố trước yêu cầu bảo tồn đi đôi với phát triển, một vấn đề không dễ tìm được đáp số chung, không chỉ đối với Hà Nội mà còn của nhiều đô thị lớn trên thế giới trên con đường phát triển. Có lẽ vì thế, hiện có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này, thậm chí có ý kiến cho rằng, cần phải dừng vô thời hạn việc thi công để nghiên cứu. Nhưng khó không có nghĩa là không thể, nếu có sự đồng thuận trong nhận thức và hành động khi biết dựa vào quá khứ để phát triển tương lai.
Những ngày này, Hà Nội đang nỗ lực hết mình để xây dựng một Thủ đô ở tuổi nghìn năm xứng với lịch sử mà cha ông đã tạo dựng nên, đáp ứng được yêu cầu phát triển của hiện tại và tương lai, để mai sau thế hệ cháu con có thể tự hào về ngày hôm nay. Đường Văn Cao - Hồ Tây có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, huyết mạch nối đường Hòa Lạc và hồ Tây, là một trong những công trình góp phần làm nên điều đó. Hà Nội có được như ngày hôm nay, cha ông ta cũng đã bao lần phải xây dựng lại. Và hôm nay, chúng ta mở mang Thủ đô phục vụ quốc kế dân sinh cũng là để cho tương lai, không chỉ dừng lại ở một Thủ đô nghìn năm tuổi.
Dòng chảy lịch sử quá khứ - hiện tại - tương lai là liên tục. Đó là một quy luật mà không ai và không gì có thể đứng ngoài. Khám phá ngày hôm qua, hiểu thêm quá khứ và để hướng tới tương lai chứ không phải như cách ai đó lấy quá khứ để ngăn dòng chảy hiện tại và tương lai vì những mục đích nằm ngoài những lời hoa mỹ. Cắt khúc dòng chảy này để xây dựng những "bảo tàng chết" không phải là lối ứng xử phù hợp và có trách nhiệm với di tích. Nói như nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc: "Có những người vì nệ cổ, cứ khăng khăng giữ lại cái cổ, quan điểm đó không được nhiều nhà nghiên cứu tán thành. Bên cạnh đó, cũng có người lớn tiếng đòi bảo tồn di tích vì những lợi ích không mang tính xã hội. Lẽ ra, họ phải là những người hiểu hơn ai hết, nhờ có kinh tế - xã hội phát triển, đời sống ấm no thì mới có điều kiện để mà nghĩ đến các di tích".
Trong lòng và trên mảnh đất nghìn năm tuổi này, đặc biệt là khu vực Ba Đình, nơi đã là trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa, kinh tế ngay từ khi Hà Nội ra khỏi ấn số lịch sử vào thế kỷ thứ V có biết bao di tích, tầng tầng, lớp lớp. Bởi thế, không chỉ có đường Văn Cao - Hồ Tây, tới đây, để phục vụ cho sự phát triển của Thủ đô sẽ còn nhiều di tích bị đụng chạm. Vì thế, không vì xây dựng mà phủ định khảo cổ nhưng cũng không vì mục đích nghiên cứu quá khứ mà gây khó cho công tác quản lý xây dựng và phát triển đô thị. Chúng ta tự hào về lịch sử nhưng cần căn cứ vào giá trị thực của di tích để xác định mức độ bảo tồn cho phù hợp. Không phải vì lý do "trân trọng quá khứ" mà làm ngưng trệ sự phát triển rất cấp bách của Hà Nội hiện nay. Làm như thế sẽ là có lỗi với chính lịch sử mà chúng ta từng trân trọng, tự hào.
Yêu Hà Nội và có trách nhiệm với Thủ đô, vào chính thời khắc lịch sử này, mỗi người trên cương vị của mình cần thể hiện tình yêu ấy, trách nhiệm ấy bằng tình cảm, tư duy khoa học và hành động đúng đắn, tạo thuận lợi nhất để bảo tồn song hành cùng phát triển.