Bảo tồn phải gắn với phát triển
Xã hội - Ngày đăng : 06:33, 12/05/2010
Nhằm đưa ra cái nhìn khách quan về dự án xây dựng tuyến đường này trong mối liên hệ với yêu cầu bảo tồn di sản và phát triển đô thị, chúng tôi đã trao đổi và lấy ý kiến một số nhà khoa học thuộc các lĩnh vực như khảo cổ, quy hoạch đô thị, xây dựng... Xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Những đoạn liên quan đến di tích Hoàng thành Thăng Long trên nút giao đường Hoàng Hoa Thám - Văn Cao sẽ tạm dừng thi công để phục vụ nghiên cứu bảo tồn. Ảnh: Đàm Duy |
TS - KTS Đào Ngọc Nghiêm (nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội):
Quy hoạch đô thị đã quan tâm đến công tác khảo cổ học
- Khi làm quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, chúng tôi đã bàn về quy hoạch khảo cổ, bảo tồn di tích và mời chuyên gia rất nhiều ngành, trong đó có khảo cổ học, để cùng tham vấn. Đấy là nguyên tắc khi làm quy hoạch Thủ đô, là quan điểm nhất quán của thành phố Hà Nội. Dự án đường Văn Cao - hồ Tây cũng đề cập đến vấn đề này, chúng tôi đã lưu ý rằng yếu tố di sản ở đây đã biến đổi nhiều qua thời gian và cần cân nhắc việc bảo tồn ra sao cho phù hợp. Theo tôi, bảo tồn là để khai thác, phát triển chứ không phải là “bảo tàng chết”. Tôi xin lưu ý thêm rằng, tuyến đường Văn Cao - hồ Tây có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô vì nó là huyết mạch nối liền từ Hòa Lạc đến hồ Tây.
PGS-TS Phan Khanh (Ủy viên Hội đồng Khoa học về bảo tồn di tích - Bộ VH-TT&DL):
Không nên quá máy móc khi bảo vệ di sản
Cách làm khả thi nhất đối với nút giao Văn Cao - Hoàng Hoa Thám, theo tôi là nhanh chóng chụp ảnh, quay phim, tìm hiện vật, sau đó có thể trưng bày tại chỗ hoặc địa điểm nào đó và nhường chỗ để công việc thi công được tiếp tục. Bảo vệ DSVH là lợi ích của mọi người nhưng không nên quá máy móc. Về lâu dài, tôi nghĩ lãnh đạo thành phố nên quan tâm giải quyết hai vấn đề: Thứ nhất - giáo dục ý thức bảo vệ DSVH cho nhân dân, các ngành quản lý và cả các đơn vị xây dựng để khi gặp di tích có thể có phương án xử lý kịp thời; thứ hai - ngành văn hóa, khi tiếp nhận yêu cầu từ phía đơn vị thi công cần nhanh chóng nghiên cứu để có giải pháp tiếp theo.
Riêng với nút giao Đào Tấn - đê Bưởi đang được lập dự án, tôi rất hoan nghênh lãnh đạo thành phố đã sớm có chỉ đạo cho phép khai quật đê Bưởi trong thời gian sớm nhất để phục vụ công tác nghiên cứu, bảo tồn.
GS Phan Huy Lê (trái) và GS-TS Tống Trung Tín xem các mảnh hiện vật khai quật được trên dự án thi công đoạn đường Văn Cao - Hoàng Hoa Thám. Ảnh: Khánh Linh |
Ông Nguyễn Văn Hảo (nguyên Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học):
Cần cân nhắc kỹ lưỡng
Tôi nghĩ, xây dựng công trình là vì người đang sống, bảo tồn di chỉ cũng là vì người đang sống nên tất cả đều phải cân nhắc kỹ lưỡng. Trong ngành khảo cổ, ai cũng biết rằng có hai cách bảo tồn, đó là bảo tồn tại thực địa hoặc hồ sơ hóa di tích rồi đưa vào bảo tàng, thư viện; tùy từng việc cụ thể mà lựa chọn một trong hai phương pháp trên.
Riêng đối với nút giao Hoàng Hoa Thám, tôi cho rằng nếu có khai quật thì chủ yếu nghiên cứu việc cha ông đắp thành thế nào. Cụ thể là vật liệu thế nào, đầm, nền thành ra sao... Những hiện vật phát hiện tại đường Hoàng Hoa Thám, nhất là có sự xuất hiện viên gạch thời Lê cho thấy vật liệu đắp thành được mang từ nơi khác đến và có niên đại muộn hơn so với viên gạch. Ngoài ra, kĩ thuật đắp thành thì thường giống nhau nên không nhất thiết phải lấy nút giao trên để nghiên cứu, mà có thể chọn chỗ khác là tốt nhất.
PGS - TS Đỗ Văn Ninh (nguyên Phó Viện trưởng Viện Sử học):
Không thể bảo tồn mọi thứ
Trên mảnh đất Thăng Long - Hà Nội, có thể khẳng định là ở đâu cũng thấy hiện vật, thấy dấu tích các tầng văn hóa. Thế nhưng, chúng ta không thể khư khư giữ lại và đòi bảo tồn mọi thứ, bởi nếu giữ lại thì không biết bao nhiêu mà kể và vô hình trung chúng ta đã ngáng trở sự phát triển của đô thị. Cái cần làm lúc này là giữa bảo tồn và phát triển phải tìm được tiếng nói chung chứ không thể mãi “vênh” nhau như thế được. Giữa nhà nghiên cứu lịch sử, nhà quản lý đô thị, cùng các chuyên gia về quy hoạch đô thị phải ngồi lại với nhau, phải dựng được một bản đồ khảo cổ học đô thị. Trong đó, xác định rõ ràng, di chỉ nào cần phải bảo tồn, tôn tạo và phát huy nguyên trạng, di chỉ nào cần nghiên cứu, khai quật và di chỉ nào cần phải nhường chỗ cho sự phát triển đô thị. Có như thế, chúng ta mới tránh được tình trạng bị động trong khai quật khảo cổ và nhiều di tích quý giá của Thăng Long mới không bị mất đi một cách đáng tiếc.