Tít mù... rồi lại vòng quanh

Đời sống - Ngày đăng : 06:31, 12/05/2010

(HNM) - Sau 7 năm

Nhu cầu về bãi đỗ xe ô tô tại TP Hồ Chí Minh rất lớn.


Vướng "khái niệm mới"
Dự án xây dựng bãi đậu xe này đã được UBND TP Hồ Chí Minh chấp thuận chủ trương cho Công ty CP Đầu tư phát triển không gian ngầm (IUS) đầu tư từ ngày 11-7-2003. Bãi đậu xe có diện tích gần 3ha, gồm 5 tầng ngầm để xe (sức chứa 2.025 xe gắn máy, 1.250 ô tô, 28 xe buýt và xe tải) và 3 tầng ngầm dùng làm khu thương mại. Tổng vốn đầu tư khoảng 1.800 tỷ đồng. Sau nhiều năm lo thủ tục, đến tháng 8-2009 IUS đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư. Ngày 15-1-2010, chính quyền TP Hồ Chí Minh đã ký hợp đồng BOT (xây dựng - khai thác - chuyển giao) với IUS và 10 ngày sau, IUS được chấp thuận giao thuê đất để thực hiện dự án.

Dẫu đã chuẩn bị khởi công vào đầu tháng 3-2010, vậy mà đến nay dự án vẫn "nằm yên" do vướng mắc thủ tục giao đất! Theo ông Lê Tuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc IUS, dự án này được miễn tiền sử dụng đất, thuê đất và thuế sử dụng đất theo chính sách hỗ trợ đầu tư của TP và điều này được thể hiện tại điều 10 của hợp đồng. Ngày 15-1-2010, Sở TN-MT đã có công văn trình UBND TP đề nghị cho Công ty IUS được giao thuê đất để thực hiện dự án với diện tích cả lộ giới là 53.034m2. Văn bản này cũng xác định: "Đối với phần đất đầu tư xây dựng công trình nổi lên trên mặt đất: diện tích 5.232,1m2, cho thuê đất 50 năm kể từ ngày ra quyết định".

Ngày 15-2-2010, UBND TP có văn bản giao Sở Tài chính và Cục Thuế TP xem xét, xác định đơn giá thuê đất và hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện theo quy định. Ngày 2-4-2010, Sở Tài chính có văn bản đề nghị Sở TN-MT và Cục Thuế TP xác định phần diện tích 5.232,1m2 đất thuộc "công trình nổi trên mặt đất" có được miễn tiền sử dụng đất hay không vì khái niệm này không được nêu trong giấy chứng nhận đầu tư và hợp đồng đã ký(?!).

Tiếp tục… chờ!
Theo ông Lê Tuấn, "công trình nổi trên mặt đất" là 4 lối xe ô tô ra vào tầng hầm, 2 cầu thang cuốn đưa khách đi bộ xuống tầng hầm và giếng trời trung tâm. Vì vậy, đây là diện tích "thông hành địa dịch" (chủ sở hữu nhà, đất có quyền sử dụng bất động sản liền kề thuộc sở hữu của người khác để bảo đảm các nhu cầu của mình về lối đi và các nhu cầu cần thiết khác một cách hợp lý). Mặt khác, diện tích này nằm trong diện tích chiếm dụng đất mặt công viên đã được chấp thuận và là một phần không thể tách rời của dự án nên được hưởng chính sách hỗ trợ đầu tư.

IUS đã 3 lần có công văn giải trình gửi UBND TP và các sở Tài chính, GTVT, TN-MT và Cục Thuế TP đề nghị được xem xét, xác định đơn giá thuê đất của tất cả các diện tích đất phục vụ cho dự án được miễn tiền sử dụng đất, thuê đất và thuế sử dụng đất, nhưng vướng mắc vẫn chưa được giải quyết. Trong khi đó, các cơ quan chức năng lại đùn đẩy cho nhau. Cụ thể, ngày 9-3, IUS được Sở TN-MT thông báo đã chuyển hồ sơ qua Cục Thuế TP để xác định nghĩa vụ tài chính về đất. Ngày 15-3, Cục Thuế TP lại có công văn thông báo việc xác định đơn giá thuê đất thuộc thẩm quyền của Sở Tài chính. Ngày 2-4-2010, Sở Tài chính lại đề nghị Sở TN-MT và Cục Thuế TP xác định xem phần diện tích 5.232,1m2 đất thuộc "công trình nổi trên mặt đất" có được miễn tiền sử dụng đất hay không để có ý kiến tổng hợp, báo cáo UBND TP!

Theo ông Lê Tuấn, sự chậm trễ này gây thiệt hại rất lớn cho công ty, bởi đã huy động nguồn vốn sẵn sàng để xây dựng rồi lại phải chờ. Trong khi đó, hiệu lực của giấy chứng nhận đầu tư BOT dự án do Bộ KH-ĐT cấp chỉ còn thời hạn 4 tháng, nên nếu việc giải quyết các thủ tục giao đất tiếp tục chậm thì phải làm thủ tục xin gia hạn hoặc cấp mới và thời gian thực hiện dự án lại kéo dài.

Việc các cơ quan chức năng thận trọng với những công trình xây dựng lần đầu tiên để không thiệt thòi cho nhà đầu tư cũng như không để thất thoát các khoản thu cho Nhà nước là đúng. Tuy nhiên, không thể đùn đẩy cho nhau ở các thủ tục hành chính như trên. Cho đến hôm nay, thủ tục giao thuê đất không có thêm một bước tiến nào nữa và bãi đậu xe ngầm công cộng đầu tiên của Việt Nam không biết đến khi nào mới hoàn thành.

Đặng Loan