VN cần sớm gia nhập Công ước viên về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế
Kinh tế - Ngày đăng : 01:06, 12/05/2010
Đó cũng là ý kiến của đa số đại biểu tại buổi tọa đàm: “Việt Nam và công ước viên về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế” do Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) phối hợp với Dự án hỗ trợ thương mại đa biên tổ chức vào ngày 11/5 tại Hà Nội.
Theo ý kiến của các đại biểu tại buổi tọa đàm, Việt Nam gia nhập CISG càng sớm sẽ đem lại cho Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam những lợi ích đáng kể bao gồm cả lợi ích kinh tế (đứng từ góc độ doanh nghiệp) và lợi ích về pháp lý (đứng từ góc độ của hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật).
Xuất khẩu gạo
Theo đó, đối với hệ thống pháp luật Việt Nam, việc gia nhập CISG sẽ giúp thống nhất pháp luật về mua bán hàng hóa quốc tế giữa Việt Nam với nhiều quốc gia trên thế giới; Đánh dấu một mốc mới trong quá trình tham gia vào các điều ước quốc tế đa phương về thương mại, tăng cường mức độ hội nhập của Việt Nam; Giúp hoàn thiện pháp luật về mua bán hàng hóa quốc tế nói riêng và pháp luật về mua bán hàng hóa nói chung của Việt Nam. CISG cũng sẽ là điều kiện để giải quyết tranh chấp nếu có từ các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế được thuận lợi hơn.
Đối với doanh nghiệp, CISG sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể tiết kiệm chi phí và tránh được các tranh chấp trong việc lựa chọn luật áp dụng cho hợp đồng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng sẽ có được một khung pháp lý hiện đại, công bằng và an toàn để thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và có căn cứ hợp lý để giải quyết tranh chấp nếu phát sinh, từ đó có điều kiện cạnh tranh công bằng hơn trên trường quốc tế. Hơn thế nữa, việc áp dụng CISG sẽ giúp doanh nghiệp tránh được những tranh chấp phát sinh trong kinh doanh quốc tế.
Tuy nhiên các đại biểu cũng lưu ý, việc tham gia Công ước nhất thiết cần được tiến hành với lộ trình cụ thể, với nghiên cứu kỹ , song song với nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, các cơ quan làm luật, thực thi pháp luật…để đảm bảo Việt Nam có thể thu nhận lợi ích tốt nhất từ việc tham gia Công ước CISG.
CISG ra đời và có hiệu lực từ 1/1/1988 nhằm thống nhất hóa pháp luật về hợp đồng trên thế giới và thiện chí đàm phán để tạo ra những quy định công bằng về quyền và nghĩa vụ của bên mua và bên bán, phù hợp với các trường phái pháp luật khác nhau. Từ đó đến nay, CISG là một trong những công ước quốc tế về thương mại được phê chuẩn và áp dụng rộng rãi nhất với 74 thành viên, trong đó có các đối tác thương mại đặc biệt lớn như Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Canada, Australia, Nhật Bản... và đã điều chỉnh khoảng 80% giao dịch thương mại quốc tế. |