Cải thiện cuộc sống cho người cơ nhỡ

Đời sống - Ngày đăng : 06:55, 11/05/2010

(HNM) - Lâu nay, tình trạng người lang thang đeo bám du khách gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh một Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến. Tuy nhiên, thời gian tới, kiên quyết chấn chỉnh lại trật tự xã hội và mỹ quan đô thị, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 60/KH-UBND, tập trung người lang thang, xin ăn vào các trung tâm bảo trợ xã hội để chăm sóc, nuôi dưỡng bảo đảm đời sống cho họ.

Theo thống kê của UBND TP Hà Nội, năm 2009 toàn thành phố tập trung được 1.080 đối tượng lang thang, gồm 477 người xin ăn, 603 người gặp khó khăn đặc biệt về sức khỏe. Ba tháng đầu năm 2010, thành phố tập trung thêm được 239 đối tượng, trong đó Đội Trật tự xã hội số I, số II (thuộc Trung tâm Bảo trợ xã hội I và II) tập trung được 148 đối tượng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người xin ăn, người tâm thần lang thang trên địa bàn thành phố.

Những người lang thang, xin ăn có mặt ở khắp mọi nơi, từ quán nước, chợ cóc đến quán ăn, cây xăng, công viên, chùa chiền... Nhà chờ xe buýt, mái hiên... cũng là nơi trú ngụ của họ. Đã vậy, để xin ăn, họ rất "tích cực" đeo bám mọi người, khiến nhiều khách du lịch không khỏi bực mình. Nhiều người xin ăn còn chọn những giao lộ để kiếm ăn, khiến an toàn giao thông không được bảo đảm. Tại ngã tư Tây Sơn - Chùa Bộc - Thái Hà, người đi đường thường thấy mấy đứa trẻ khoảng 12-14 tuổi, gầy gò, đen đúa luồn lách giữa dòng người xe tấp nập trên đường để xin tiền. Mỗi khi đèn đỏ, hàng loạt xe cộ dừng lại cũng là lúc chúng len lỏi vào giữa dòng người, miệng lắp bắp xin xỏ. Vài người khác ái ngại, móc ví bỏ những đồng tiền lẻ vào chiếc ca nhựa hoặc chiếc nón... Mỗi lần đèn xanh bật lên những đứa trẻ này chạy lại chiếc xe lăn trên vỉa hè và vơ vội số tiền vừa xin được đút vào túi. Sau đó, chúng chạy vào quán nước và cầm điếu thuốc hút để chờ đến lần đèn đỏ tiếp theo... Anh Chu Việt Hà, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết: "Có lần đèn xanh vừa bật lên cả đoàn xe máy lao về phía trước. Tôi suýt đâm vào đứa trẻ ăn xin vì chúng không kịp chạy ra ngoài".

Đứng trước thực trạng trên, để bảo đảm trật tự xã hội và mỹ quan đô thị, ngày 29-4, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch 60/KH-UBND tập trung các đối tượng lang thang, xin ăn trên địa bàn chuyển giao cho Trung tâm Bảo trợ xã hội I (thôn Đồng Dầu, xã Dục Tú, huyện Đông Anh, Hà Nội) và Trung tâm Bảo trợ xã hội II (thôn Phù Yên, xã Viên An, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) chăm sóc, nuôi dưỡng. Việc tập trung người lang thang, xin ăn chuyển vào các trung tâm bảo trợ xã hội chăm sóc, nuôi dưỡng là hết sức cần thiết. Vào trung tâm bảo trợ xã hội, những người lang thang, xin ăn được chăm lo, cải thiện chất lượng cuộc sống, được bảo vệ sức khỏe, chăm sóc tốt hơn. Những người gặp khó khăn về sức khỏe được chuyển đến các bệnh viện khám, chữa bệnh, sau khi khỏi sẽ được đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội chăm sóc... Mặt khác, với việc tập trung người lang thang, xin ăn vào các trung tâm bảo trợ, đường phố Thủ đô sẽ bớt những cảnh nhếch nhác, phản cảm do những người này gây ra, trả lại cảnh quan đô thị cho Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Hoàng Cường