Giảm hồ sơ, không giảm cạnh tranh

Tuyển sinh - Ngày đăng : 06:41, 11/05/2010

(HNM) - Cuối tuần qua, đợt bàn giao hồ sơ của các sở GD-ĐT khu vực phía Nam cho các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) đã kết thúc với một kịch bản không khác biệt nhiều so với đợt bàn giao trước đó 2 ngày của khu vực phía Bắc.

Giảm hồ sơ, giảm lỗ?

Xu hướng giảm lượng hồ sơ vốn đã rất rõ ràng trong kỳ tuyển sinh năm 2009, năm nay lại càng nổi bật khi đa số sở GD-ĐT đều cho biết lượng hồ sơ tiếp tục giảm mạnh. Hà Nội sau khi hợp nhất đã trở thành địa phương có hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ nhiều nhất với 159.660 hồ sơ, và cũng là địa phương giảm mạnh nhất, tới 33.156 hồ sơ so với năm 2009. Như vậy, tính trung bình, mỗi học sinh nộp chưa tới 2 hồ sơ. Thanh Hóa từ nhiều năm nay vẫn có lượng hồ sơ lớn (chỉ sau Hà Nội), năm nay nhận được hơn 92.000 hồ sơ, giảm 14.000 so với năm 2009. Nếu so với cách đây 2 năm thì Thanh Hóa giảm tới hơn 29.000 hồ sơ. Với tổng số hồ sơ nhận được là 57.439, Nam Định cũng giảm hơn 10.000 bộ so với năm trước. Các tỉnh, thành phố có lượng hồ sơ giảm nhiều là Thái Bình 53.500 bộ, giảm 8.000 bộ; Bắc Giang 37.480 bộ, giảm hơn 8.000 bộ; Hải Phòng 44.368 bộ, giảm khoảng 7.000 bộ; Hưng Yên hơn 30.000 bộ, giảm 8.000 bộ… Riêng tỉnh Sơn La năm nay số lượng hồ sơ tăng hơn 1.000 bộ so với năm trước, đạt 14.470 bộ.

Thí sinh nộp hồ sơ thi đại học. Ảnh: Hồng Vĩnh

Với tỷ lệ hồ sơ giảm trung bình khoảng 20% so với năm 2009, có vẻ như nỗi lo về vấn nạn hồ sơ "ảo" của các trường ĐH, CĐ đã phần nào giảm bớt. Tỉ lệ thí sinh bỏ thi hằng năm lên tới 30-40%, thậm chí là 50% đã khiến các trường quyết liệt đề nghị Bộ GD-ĐT phải tăng lệ phí thi để giảm lỗ. Năm nay, theo nhiều chuyên gia, ngoài tác động của việc tư vấn tuyển sinh và định hướng nghề nghiệp trước kỳ thi giúp thí sinh xác định rõ mục tiêu để chọn trường một cách dứt khoát, một lý do quan trọng khác là thí sinh phải nộp lệ phí thi cùng lúc với lệ phí đăng ký lại ở mức cao hơn nên thí sinh đã có sự cân nhắc kỹ hơn. Ngoài ra, một số lượng lớn thí sinh không đỗ ĐH của các kỳ tuyển sinh trước đã có thêm sự lựa chọn là đăng ký vào học tại các trường ngoài công lập, vốn rất phong phú hiện nay.

Không giảm cạnh tranh

Thí sinh dường như đã thực tế hơn khi nhận định về học lực của mình thể hiện qua sự chuyển dịch luồng hồ sơ từ các trường có truyền thống ấn định điểm chuẩn cao sang các trường có điểm chuẩn vừa phải. Sau ngày bàn giao hồ sơ tuyển sinh của các tỉnh phía Bắc, cả tỉnh Thanh Hóa chỉ có 317 hồ sơ nộp vào Trường ĐH Ngoại thương cơ sở 1 và 22 hồ sơ tới cơ sở 2. Trường ĐH Ngoại thương năm nay thu khoảng 8.400 hồ sơ, giảm hơn 1.000 so với năm 2009. Điểm chuẩn năm ngoái của ĐH Ngoại thương từ 23 điểm. Năm nay Trường ĐH Kinh tế quốc dân nhận được khoảng 20.500 hồ sơ, giảm 1.500 hồ sơ so với năm trước. ĐH Bách khoa Hà Nội có khoảng 12.800 hồ sơ so với 14.200 của năm ngoái. Hai trường này đều thuộc nhóm có điểm chuẩn cao, từ 21, 22 điểm trở lên. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc giảm hồ sơ không có nghĩa điểm chuẩn của các trường, nhất là các trường nhóm trên, sẽ giảm theo, bởi chất lượng thí sinh đâm đơn vào các trường này rất cao.

Các trường thuộc nhóm giữa rất "hot" vào năm ngoái thì nay vẫn dẫn đầu về số hồ sơ đăng ký. Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội có khoảng 52.000 hồ sơ trong khi thời điểm này năm ngoái có khoảng 64.000 hồ sơ. Trường ĐH Thương mại có số hồ sơ xấp xỉ năm ngoái với 39.000 bộ. Trường ĐH Giao thông Vận tải cơ sở 1 đã thu hơn 17.800 hồ sơ, giảm 5% so với năm ngoái. Viện ĐH Mở mặc dù giảm hơn 10.000 hồ sơ nhưng vẫn có tới 25.000 trong khi chỉ tiêu tuyển sinh là 3.000.

Nhóm trường nói trên cũng là những trường có sức hút lớn nhất với thí sinh Hà Nội. Trường ĐH Thương mại được thí sinh Hà Nội lựa chọn nhiều nhất với 10.175 hồ sơ, Viện ĐH Mở: 9.636 hồ sơ, ĐH Công nghiệp: 9.319 hồ sơ.

Trong xu hướng giảm chung thì khối các trường y dược vẫn giữ được sức hút khá mạnh. Đặc biệt, Trường ĐH Y Hà Nội năm nay có tới gần 16.000 hồ sơ, tăng tới 50% so với năm ngoái, trong khi chỉ tiêu của trường này là 1.000. Riêng thí sinh Thanh Hóa, dù "kiềng mặt" Trường ĐH Ngoại thương nhưng số "đâm đơn" vào Trường ĐH Y Hà Nội lên tới 2.399. Bên cạnh đó là Bắc Giang có tới 1.960 thí sinh muốn đầu quân vào ĐH Y dược Thái Nguyên, 1.442 vào ĐH Kỹ thuật y tế Hải Dương. Trường ĐH Điều dưỡng Nam Định thu hút 2.463 hồ sơ của thí sinh tỉnh nhà và có thêm 1.085 hồ sơ từ Thanh Hóa. ĐH QG TP Hồ Chí Minh (tuyển sinh toàn quốc) năm nay bắt đầu tuyển sinh Khoa Y nên đã có thêm 1.350 bộ hồ sơ.

Quỳnh Phạm