Di tích đền Đồng Cổ được gắn biển công trình 1000 năm Thăng Long- Hà Nội
Xã hội - Ngày đăng : 12:55, 10/05/2010
(HNMO) - Sáng nay (10/5), di tích đền Đồng Cổ, phường Bưởi, quận Tây Hồ đã được gắn biển công trình 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Đến dự có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng.
Di tích đền Đồng Cổ
Phát biểu tại buổi lễ, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định: Thần Đồng Cổ cũng như Thánh Gióng, Sơn Tinh và nhiều vị phúc thần khác thể hiện ý chí, nguyện vọng, tài năng, tâm huyết của nhân dân ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Do đó, việc phục dựng đền Đồng Cổ là nhằm gìn giữ, tôn vinh phát huy truyền thống văn hiến, yêu nước, anh hùng, tài hoa và trí tuệ của ông cha.
Phó Chủ tịch cũng yêu cầu các cơ quan chức năng quận Tây Hồ cùng nhân dân chăm sóc, bảo vệ để đền Đồng Cổ trở thành một địa chỉ sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng lành mạnh, là nơi giáo dục đạo lý truyền thống sâu sắc cho mọi tầng lớp nhân dân; đồng thời tiếp tục lập dự án quy hoạch mặt bằng di tích cho tương xứng với vị thế và ý nghĩa của ngôi Đền.
Tương truyền, đền Đồng Cổ được xây dựng từ thời nhà Lý, khoảng những năm 1028 tại một khu đất vuông vức nhìn ra sông Tô Lịch để thờ thần Đồng Cổ- vị thần nhiều lần hiển linh giúp vua Hùng và các vị vua nhà Lý đánh thắng giặc. Ngày nay, ngôi đền nằm trên đường Thụy Khuê, thuộc phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Vào ngày 4/4 âm lịch hằng năm, tại đền Đồng Cổ diễn ra hội thề “Trung hiếu” mang ý nghĩa giáo dục và nhân văn sâu sắc. Trải qua thời gian và những thăng trầm của lịch sử, ngôi đền tuy vẫn giữ được giá trị văn hóa, nhưng mất dần đi giá trị kiến trúc, cảnh quan. Vì thế, năm 2008, quận Tây Hồ đã đầu tư hơn 5,9 tỷ đồng thực hiện giai đoạn I Dự án tu bổ, tôn tạo di tích đền Đồng Cổ với các hạng mục: xây dựng mới đền chính, phương đình, hậu cung, tịnh tiến nhà tả hữu vu lên 3m…
Theo đánh giá của các chuyên gia, sau khi được trùng tu tôn tạo, đền Đồng Cổ giờ đây bề thế, tôn nghiêm hơn và vẫn giữ được dáng vẻ truyền thống. Dự kiến, kinh phí dành cho giai đoạn II của dự án là 32 tỷ đồng để di chuyển 8 hộ dân ở sát sau đền, phía đường Hoàng Hoa Thám và 2 hộ phía đường Thụy Khuê trả lại không gian cho di tích và mở rộng cảnh quan, sân vườn.