Hòa bình Trung Đông: Nhen nhóm hy vọng mới

Thế giới - Ngày đăng : 07:17, 10/05/2010

(HNM) - Hy vọng nối lại tiến trình hòa bình cho

Các khu định cư Do Thái được dựng lên ở Jerusalem.


Cuộc gặp của ông G.Mitchell với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tối 7-5 đã mở ra nhiều hướng mới cho hòa bình nơi đây. Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp, trưởng đoàn đàm phán Palestine Saeb Erakat cho biết, Tổng thống M.Abbas và ông G.Mitchell đã thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Israel và Palestine và Tổng thống M.Abbas sẽ sớm có câu trả lời về việc nối lại thương lượng với Israel. Theo ông Erakat, ban lãnh đạo Palestine thực sự muốn dành cơ hội cho các nỗ lực của Washington nhằm khởi động lại tiến trình hòa bình đang bị ngưng trệ.

Theo các nhà quan sát, rõ ràng dự định của Mỹ, đặc biệt là quyết tâm của Tổng thống Barack Obama cam kết thành lập một Nhà nước Palestine và thực hiện biện pháp cụ thể với bên có những hành động khiêu khích trong quá trình đàm phán, đã mang đến hy vọng. Các hoạt động ngoại giao con thoi của ông Mitchell, kể từ chuyến thăm trước đó vào cuối tháng 4 với kết quả "tích cực và hữu ích", đã "hâm nóng" hòa bình Trung Đông.

Vào thời điểm hiện nay, cùng với thiện chí của Palestine, những nhân tố khác đang là động lực tích cực cho tiến trình này. Đó là cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Israel ngày 3-5, với chủ đề chính là nối lại đàm phán gián tiếp giữa hai bên cũng như sự cần thiết phải sớm đi đến đàm phán trực tiếp. Song song với đó, cùng thời gian này, Thủ tướng Israel Netanyahu đã tới Sharm El-Sheikh hội đàm với Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak về những nỗ lực mới nhất của Ai Cập cũng như cộng đồng quốc tế nhằm mở đường cho đàm phán gián tiếp giữa Israel và Palestine. Ai Cập tuyên bố sẽ hỗ trợ tiến trình ngoại giao giữa Israel và Palestine. Trước đó, Liên đoàn Arập (AL) cũng ra tuyên bố ủng hộ các cuộc hòa đàm Israel - Palestine và đề ra thời hạn 4 tháng để thực hiện mục tiêu này…

Thế nhưng, điều khiến dư luận Vùng Vịnh lo ngại là những hành động hiện nay của Tel Aviv. Trong cuộc trao đổi với báo giới ngày 6-5, ông Saeb Erakat tỏ ý hoài nghi khi phát biểu rằng, các cuộc đàm phán sẽ cho thấy liệu chính phủ Israel có thực sự muốn hòa bình hay không và đây sẽ là "phép thử" sự chân thành của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama trước mong muốn thành lập một Nhà nước Palestine độc lập. Trước đó, Trưởng đoàn đàm phán của Palestine đã cáo buộc Israel đang tìm cách phá hoại ngầm cuộc đàm phán gián tiếp giữa hai bên ngay khi đàm phán chưa bắt đầu. Tuyên bố này của ông Erakat đưa ra nhằm đáp lại phát biểu ngày 5-5 của một quan chức cao cấp Israel cho rằng, các cuộc đàm phán gián tiếp Israel - Palestine sẽ không đem lại kết quả. Ông Erakat cũng nhấn mạnh, đàm phán gián tiếp sẽ thất bại nếu Israel vẫn tiếp tục xây dựng các khu định cư Do Thái cũng như thực hiện các biện pháp an ninh chống lại người Palestine…

Nhìn lại cuộc đàm phán gián tiếp hồi tháng 3 vừa qua giữa Israel và Palestine. Hy vọng vừa lóe lên đã lụi tắt do kế hoạch xây dựng các khu định cư mới của người Do Thái tại Đông Jerusalem của Tel Aviv, nơi người Palestine khẳng định là thủ đô của nhà nước Palestine trong tương lai. Bởi vậy, với chuyến ngoại giao con thoi lần này của ông Mitchell, khi mà sự khác biệt về quan điểm giữa hai bên vẫn còn tồn tại, nếu đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về Trung Đông thuyết phục được Israel và Palestine cùng ngồi vào một bàn đàm phán, đó đã là thành công ngoài mong đợi.

Sự ủng hộ của các nước Arập và nỗ lực của Washington đang mang đến hy vọng mới rằng 18 tháng bế tắc của tiến trình hòa bình Trung Đông, kể từ sau khi Israel mở chiến dịch quân sự vào Dải Gaza cuối năm 2008 sẽ sớm chấm dứt. Nhưng, chỉ khi hai bên cùng ngồi vào bàn đàm phán, việc giải quyết tận gốc rễ các vấn đề, đặc biệt về biên giới của nhà nước Palestine trong tương lai cũng như Israel phải rút khỏi tất cả các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng mới được đặt ra. Tuy nhiên, để Israel và Palestine đi tới được chặng dừng này là không hề đơn giản dù đã có chút hy vọng ở phía trước.

Trung Hiếu