Cần tuyên truyền để người dân hiểu

Đời sống - Ngày đăng : 07:05, 10/05/2010

(HNM) - Bắt đầu từ ngày 25-4 đến 15-5, Phòng CSGT (CAHN) thực hiện thí điểm việc bố trí lực lượng CSGT mặc thường phục tham gia tuần tra, kiểm soát, phát hiện các hành vi vi phạm TTATGT để xử lý.

Do chưa nắm vững quy định cũng như bản chất của vấn đề, nhiều người dân tỏ ý quan ngại về cách làm này. Trên thực tế, việc bố trí lực lượng CSGT hóa trang làm nhiệm vụ tham gia bảo đảm TTATGT đem lại hiệu quả rõ rệt. Chúng tôi xin trích đăng ý kiến của một số bạn đọc và CSGT xung quanh vấn đề này…

Ông Vũ Văn Tuyến (khu chung cư An Lạc, tổ 61, thị trấn Cầu Diễn, huyện Từ Liêm): Không có gì đáng lo ngại!
Khi mới nghe thông tin về việc này, tôi và nhiều người lo ngại, e rằng cách làm đó lợi ít hại nhiều. Có rất nhiều tình huống xảy ra vì nếu cảnh sát mặc thường phục rất khó để người dân tin đó là công an. Hơn nữa, đây là kẽ hở để một số kẻ gian trà trộn, giả danh công an "bắt chẹt" người đi đường. Mặt khác, liệu cách làm trên có dễ tạo điều kiện nảy sinh tiêu cực khi người làm nhiệm vụ nhận hối lộ của người có hành vi vi phạm?... Tuy nhiên, sau khi đọc kỹ quy trình tham gia xử lý của lực lượng CSGT hóa trang, tôi mới vỡ lẽ nhiều điều. Thứ nhất, khi phát hiện vi phạm, cán bộ, chiến sỹ tuy mặc thường phục nhưng trên tay áo có đeo băng "CSGT", họ phải xuất trình thẻ ngành, thẻ ủy quyền của phòng CSGT và giải thích cho người điều khiển phương tiện vi phạm biết họ mắc lỗi gì. Thứ hai, lực lượng CSGT mặc thường phục không được tự ý xử phạt mà phải dùng bộ đàm, thông báo với tổ công tác đi sau (có mặc sắc phục) đến phối hợp xử lý. Với quy định chặt chẽ như vậy thì chẳng có gì đáng lo ngại cả.

Ông Nguyễn Văn Thái (ngõ 55, đường Cầu Giấy): Một cách làm mới, hiệu quả
Tôi đã tận mắt chứng kiến hai vụ CSGT mặc thường phục tham gia xử lý vi phạm TTATGT và thấy rằng đây là cách làm rất hiệu quả. Hôm đó, tại ngã tư phố Trần Phú - Hoàng Diệu, 3 thanh niên không đội mũ bảo hiểm đèo nhau trên chiếc xe SH không biển kiểm soát. Phát hiện phía trước có lực lượng CSGT mặc sắc phục đang làm nhiệm vụ, nhóm thanh niên này lách xe vào làn đường bên trái hòng trốn tránh. Bất ngờ, một CSGT mặc thường phục xuất hiện. Cán bộ này chào theo điều lệnh, xuất trình thẻ ngành rồi yêu cầu 3 thanh niên xuống xe, đồng thời dùng bộ đàm thông báo với tổ công tác có mặc sắc phục đến hỗ trợ, lập biên bản vi phạm. Toàn bộ quy trình này chỉ diễn ra trong vài phút. Giả sử hôm đó không có lực lượng CSGT hóa trang, tôi đoán chắc 3 thanh niên vi phạm kia dễ dàng qua mặt công an...

Trung tá Nguyễn Văn Tòng (Đội trưởng Đội CSGT số 1, Phòng CSGT - CAHN): Đây là biện pháp nghiệp vụ được pháp luật quy định
Ngay sau khi thực hiện việc bố trí lực lượng CSGT mặc thường phục tham gia xử lý vi phạm TTATGT, tôi cũng nhận được nhiều thắc mắc về tính hiệu quả của cách làm này. Có ý kiến mang tính xây dựng, nhưng cũng có ý kiến mang tính tiêu cực do không hiểu đúng quy trình và bản chất của vấn đề. Cần phải thấy rằng, đây là một trong các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng công an được quy định tại Thông tư số 27/2009/TT của Bộ Công an. Địa bàn Đội 1 chúng tôi phụ trách có nhiều trường học, trước kia học sinh chưa đủ tuổi, điều khiển xe máy không có bằng lái diễn ra hằng ngày. Không phải lực lượng CSGT không nhìn thấy mà vì khoảng cách vi phạm quá xa nên không thể xử lý. Thế nhưng khi áp dụng biện pháp hóa trang cho cán bộ, chiến sỹ, việc xử lý vi phạm rất đơn giản, hiệu quả, số vi phạm về TTATGT trên địa bàn giảm hẳn.

Trung tá Nguyễn Văn Đức (Đội trưởng Đội CSGT số 2, Phòng CSGT - CAHN): Cần tuyên truyền để người dân hiểu rõ
Tôi chỉ cần so sánh thế này, một tổ công tác của CSGT gồm 5 cán bộ, chiến sỹ. Nếu tất cả đều mặc sắc phục thì khi thấy bóng dáng công an, người vi phạm lập tức bỏ chạy hoặc tìm cách trốn tránh, vừa gây nguy hiểm cho người đi đường, vừa đe dọa tính mạng cho chính người điều khiển phương tiện, trong đó có cả lực lượng CSGT khi tham gia rượt đuổi. Vậy thì việc bố trí CSGT hóa trang là rất cần thiết và đem lại hiệu quả cao. Những ngày đầu thực hiện, nhiều người còn chưa hiểu nhưng sau khi được CSGT hóa trang giải thích, xuất trình giấy tờ chứng minh mình đang làm nhiệm vụ thì mọi người đều nghiêm chỉnh chấp hành. Có ý kiến lo ngại kẻ xấu giả danh cảnh sát để "bắt chẹt" người đi đường, tôi cho rằng pháp luật sẽ có biện pháp xử lý. Qua hơn nửa tháng thực hiện, chúng tôi chưa nhận được bất cứ thông tin nào về hiện tượng giả danh CSGT mặc thường phục. Theo tôi, điều quan trọng là cần tuyên truyền để người dân hiểu rõ quy trình làm nhiệm vụ của lực lượng CSGT hóa trang.

Ban Bạn Đọc