“Thiên nga trắng”
Hồ sơ - Ngày đăng : 07:03, 10/05/2010
Vào những năm 60 của thế kỷ XX, khi Chiến tranh lạnh đang ở thời kỳ đỉnh cao, quân đội Liên Xô đã sở hữu một lực lượng tên lửa đạn đạo chiến lược mang đầu đạn hạt nhân mạnh hàng đầu thế giới nhưng lại chỉ có một số ít máy bay ném bom chiến lược như Tu-95 hay Myasishchev M-4 với công nghệ lạc hậu. Trong khi đó, Mỹ lại đứng đầu thế giới về máy bay ném bom tấn công chiến lược như Pháo đài bay B-52 và đã lên kế hoạch chế tạo máy bay ném bom chiến lược siêu hiện đại B-1 vào năm 1965.
Trước tình hình đó, tháng 11-1967, Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô đã yêu cầu phải thiết kế, chế tạo một loại máy bay ném bom chiến lược mới có khả năng vượt qua hệ thống phòng thủ của Mỹ, mang được khối lượng lớn vũ khí quy ước cũng như hạt nhân chiến lược. Sau đó, nhà máy sản xuất máy bay Tupolev đã thiết kế, chế tạo một mẫu máy bay ném bom chiến lược mới, đặt tên là Tu-160. Các chuyên gia quân sự phương Tây gọi chiếc máy bay này là "Blackjack", còn các phi công Liên Xô gọi nó là "Thiên nga trắng". Tuy nhiên, mãi đến ngày 19-12-1981, chiếc Tu-160 đầu tiên mới cất cánh lên bầu trời. Tới tháng 8-1987, loại máy bay ném bom chiến lược này chính thức được triển khai. Tính đến đầu năm 1992, tổng cộng đã có 35 chiếc Tu-160 được sản xuất.
Mục đích thiết kế ban đầu của Tu-160 là nhằm triển khai các loại vũ khí hạt nhân cũng như quy ước vào sâu trong chiến trường.
Tu-160 có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, địa lý khác nhau. So với máy bay cùng loại B-1B Lancer của Không quân Mỹ, Tu-160 có nhiều điểm vượt trội, ví dụ, tốc độ tối đa của Tu-160 là 2.220 km/giờ trong khi B-1B chỉ 1.530 km/giờ, tầm bay xa nhất là 17.400km so với 12.000km của B-1B, sức đẩy động cơ là 100.000 mã lực so với 55.400 mã lực của B-1B...
Tu-160 có hai khoang chứa riêng biệt có khả năng mang tổng trọng lượng 22.500kg, cực đại có thể lên tới 45.000kg. Những loại vũ khí chính được trang bị trên Tu-160 gồm bom rơi tự do, bom có điều khiển và các loại tên lửa quy ước cũng như đầu đạn hạt nhân. Mỗi khoang của Tu-160 có khả năng mang 6 tên lửa hành trình chiến lược Kh-55MS sử dụng động cơ phản lực, tầm bắn 3.000km, có thể mang đầu đạn hạt nhân 200 kT. Bên cạnh đó là tên lửa tầm ngắn Kh-15P có tầm bắn 200km, mang đầu đạn quy ước hoặc hạt nhân.
Sau năm 1992, Nga chỉ còn sở hữu 6 chiếc Tu-160, trong khi đó nước láng giềng Ukraine có tới 19 chiếc. Không những thế, Tổng thống Nga Boris Yeltsin khi đó cũng đã quyết định dừng vô thời hạn dây chuyền sản xuất Tu-160 và đình chỉ những chuyến bay tuần tra đường dài của loại máy bay ném bom chiến lược này.
Đến năm 1998, Ukraine bắt đầu chương trình phá hủy các máy bay Tu-160 theo thỏa thuận với Mỹ. Tuy nhiên, Nga đã thuyết phục được Ukraine chuyển một phần số máy bay đang có để gán nợ tiền mua khí đốt. Sau đó, tám chiếc Tu-160 đã trở về các căn cứ không quân Nga. Đầu những năm 2000, Bộ Quốc phòng Nga đã quyết định hiện đại hóa toàn bộ phi đội Tu-160 hiện có và khôi phục trở lại dây chuyền sản xuất loại máy bay này nhằm đáp ứng nhu cầu của không quân chiến lược.
Năm 2007, Tổng thống Nga V.Putin đã quyết định khôi phục các chuyến bay tuần tra đường dài của lực lượng không quân chiến lược. Từ đó, những "con thiên nga trắng" của không quân Nga lại cất cao đôi cánh trên nhiều vùng trời thế giới.