Nhiều vấn đề cần phải làm rõ

Chính trị - Ngày đăng : 06:59, 10/05/2010

(HNM) - Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Võ Hồng Phúc, phải thay đổi quy mô vốn đầu tư của các dự án, công trình quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư mới phù hợp với tình hình phát triển của đất nước hiện nay và tăng cường phân cấp quản lý ngân sách nhà nước.

Để làm được việc này, trước mắt cần sửa đổi Nghị quyết 66 ngày 29-6-2006 về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư (Nghị quyết 66).

Dự án có vốn trên 35.000 tỷ đồng mới phải trình Quốc hội

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc lý giải, do kinh tế - xã hội phát triển vì vậy cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 66 cho phù hợp với tình hình thực tiễn và đồng bộ với hệ thống pháp luật về đầu tư sử dụng vốn nhà nước đang được hoàn thiện. Trong Nghị quyết 66 sửa đổi, Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XII sắp tới, đáng lưu ý là Chính phủ đề xuất nâng quy mô vốn đầu tư các công trình phải đưa ra Quốc hội, có tính đến yếu tố trượt giá hằng năm. Cụ thể, các dự án, công trình có sử dụng từ 30% vốn nhà nước trở lên (quy định hiện hành là 20%), có quy mô tổng vốn đầu tư trên 35.000 tỷ đồng (theo thời giá tháng 6-2010) mới phải trình Quốc hội (mức cũ là 20.000 tỷ đồng). Nguyên nhân của điều chỉnh này, theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội là so với thời điểm năm 2006, tỷ giá của tiền đồng Việt Nam với đôla Mỹ đã có nhiều thay đổi. Trong khi đó, số lượng các dự án đầu tư lớn ngày càng tăng. Nếu giữ nguyên mức cũ, sẽ có rất nhiều dự án phải trình Quốc hội xem xét, gây chậm trễ, đặc biệt là với các dự án đầu tư ra nước ngoài.

Đồng ý với mức sửa đổi này song khi thảo luận tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vấn đề nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra là, với những dự án vốn nhà nước không chiếm đến 30% nhưng số tuyệt đối lớn hơn 35.000 tỷ đồng thì quản lý thế nào? Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Trần Thế Vượng nêu ví dụ chỉ cần 10% vốn đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam đã hơn 5 tỷ USD rồi. Do đó, Ban soạn thảo phải phân biệt loại dự án nào thì tính phần trăm, loại dự án nào tính giá trị tuyệt đối. Vì "bất kể là bao nhiêu phần trăm nhưng số tiền càng lớn thì Quốc hội càng phải có trách nhiệm". Cả hai vị Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và Nguyễn Đức Kiên đều đồng tình với đề xuất kể trên. Bên cạnh tiêu chí vốn, nhiều chuyên gia luật pháp còn cho rằng, các tiêu chí quan trọng khác là đầu tư trên địa bàn ảnh hưởng an ninh, quốc phòng và tiềm ẩn nguy cơ tác hại môi trường cũng cần được bổ sung hướng dẫn theo hướng chặt chẽ, chi tiết hơn.

Để khép kín những kẽ hở

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền còn cho rằng, Nghị quyết 66 sửa đổi lần này phải làm rõ khái niệm "cụm công trình liên kết chặt chẽ" có vốn đầu tư lớn phải trình Quốc hội quyết định mới có tính thực tế. Vì khái niệm này đang rất chung chung, dẫn đến tình trạng thời gian qua, có dự án bao gồm nhiều công trình khác nhau, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội đất nước nhưng không được đưa ra Quốc hội xem xét. Sau đó, Chính phủ đã phải tổ chức kiểm tra việc đầu tư, xây dựng để có giải pháp khắc phục. Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng nêu một ví dụ điển hình hơn. Đó là dự án đường Hồ Chí Minh được làm từng đoạn một rồi mới nối với nhau để trình ra Quốc hội. Vậy đó là một cụm công trình liên kết hay tính theo giá trị đầu tư của từng dự án thành phần?

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, ngoài làm rõ khái niệm "cụm công trình liên kết chặt chẽ" những dự án ảnh hưởng đến môi trường như làm nhà máy hóa chất, khai thác khoáng sản, khai thác than quy mô lớn cũng nên quy định phải trình Quốc hội thông qua. Đại diện Bộ NN&PTNT cũng quyết liệt đề xuất phải đưa tiêu chí về chuyển đổi diện tích đất lúa, bên cạnh tiêu chí đất rừng. Chẳng hạn, dự án chuyển đổi từ 100ha diện tích đất lúa trở lên sẽ phải trình Quốc hội. Bởi lẽ chỉ tính riêng trên địa bàn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã có hàng trăm dự án sử dụng hơn 100ha diện tích đất lúa, cần theo dõi chặt chẽ mới bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Mặt khác, không nên chủ quan rằng ta đứng nhất, nhì trong xuất khẩu lúa gạo để coi nhẹ vai trò của việc bảo toàn diện tích đất...

Hà Phong