“Chôn lũ” bảo vệ đê Hà Nội
Xã hội - Ngày đăng : 06:51, 10/05/2010
"Sông Hồng gọi Cửu Long, Sông Hương, Thu Bồn… Sao Hôm đến giờ chưa mọc, Trường Sơn đang tắm nước Biển Đông… nghe thấy không trả lời. Sao Hôm chưa mọc, Trường Sơn tắm nước biển Đông…".
Công trình phân lũ Vân Cốc và lời thề quyết thắng
Mưa lúc mau lúc thưa đã hơn 10 ngày, không lúc nào ngớt, mây đen phủ kín cả bầu trời, mỗi lúc một dày đặc, trời ngày càng thấp xuống. Mưa! Mưa thối cả đất, không khí no nước, cỏ cây sũng nước. Cơ man là nước, nước từ trên trời trút xuống, từ trên rừng núi đổ về, từ dưới biển dâng lên! Nước mênh mông như biển đã đổ bộ vào đất liền! Dòng chính sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội nước chảy cuồn cuộn, những xoáy nước to bằng cái nong quay tít, xoáy hun hút xuống tận đáy, không một bóng con tàu, cái thuyền nào dám lai vãng. Vùng ngoài đê Hà Nội đã chìm trong biển nước, nhà cửa ở chỗ cao chỉ nhú lên cái nóc, cái lùm cây thoi thóp trong nước lũ.
Trên khắp các nẻo đường, người từ đồng ruộng, từ các đơn vị bộ đội, từ các nhà máy, cơ quan, trường học của các khu, huyện Hà Nội… nối nhau ra mặt trận - lên đê. Huy động dân công cần bao nhiêu có bấy nhiêu. Đất đá, cát sỏi, rồng tre, bao tải… vận chuyển bằng mọi cách đến các đoạn đê xung yếu. Có cần dỡ nhà cho hộ đê, bà con cũng sẵn sàng. Tất cả cho "tiền tuyến", quyết không để hệ thống đê bảo vệ Thủ đô ngàn năm văn hiến bị vỡ. Chống lũ còn khẩn trương hơn cả chống giặc ngoại xâm. Ông cha ta đã nói "Thủy - hỏa - đạo - tặc". Lũ là kẻ thù số 1.
Hệ thống đê sông Hồng hàng ngàn cây số được bồi đắp qua nhiều đời, từ trước thời Đông Đô - Thăng Long, đến ngày nay Hà Nội. Đê đi qua các vùng địa hình, địa chất rất phức tạp, không theo một chuẩn mực thiết kế nào, đất đắp đê cũng không thể đồng chất, qua các địa phương có đất nào đắp đất ấy.
Hà Nội nằm bên bờ sông Hồng nên thường xuyên bị lũ uy hiếp. Hệ thống đê bảo vệ Hà Nội chỉ chịu được mực nước lũ ở cao độ 13,3m, nếu nước lũ vượt quá con số này thì nguy hiểm! Trong tình thế nghiêm trọng này phải phân lũ.
Vào những năm 1930 thế kỷ XX, người Pháp đã nghiên cứu vấn đề này và đã xây dựng công trình đập Đáy để phân lũ sông Hồng vào sông Đáy nhằm giảm mực nước lũ ở Hà Nội để đê điều có thể chịu được. Đập Đáy đã mấy lần phân lũ nhưng đều thất bại vì cửa van đập đóng mở bằng phương pháp thủy lực, không điều khiển được. Nay phải làm một công trình phân lũ khác vận hành an toàn, chủ động thay cho đập Đáy.
Tôi nhớ lại khi Bộ trưởng Bộ Thủy lợi - Điện lực Hà Kế Tấn giao nhiệm vụ cho tôi lúc đó là kỹ sư, Tổ trưởng Tổ Thiết kế thủy công 2, thuộc Viện Thiết kế Thủy lợi - Điện lực. Ông nói:
- Quyết không để vỡ đê làm ngập Hà Nội, giao cho cậu thiết kế công trình phân lũ khi hệ thống đê bảo vệ Hà Nội có nguy cơ bị vỡ.
Tôi rất kính trọng Bộ trưởng Hà Kế Tấn, coi ông như người anh cả, tôi nói:
- Thưa anh, em sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ anh giao.
Bộ trưởng nắm chặt tay tôi:
- Nhớ đã hứa rồi nhé!
Tôi đáp:
- Dạ thưa, không phải là lời hứa mà là lời thề chiến thắng của người lính trước khi xung trận.
Ngoài phân lũ ra còn nghiên cứu một giải pháp chậm lũ để phòng khi phân lũ đã xuất trận rồi mà tình hình vẫn diễn biến bất lợi cho đê điều bảo vệ Hà Nội thì phải chậm lũ để chia lửa với phân lũ.
Tôi nghĩ, được giao làm chủ nhiệm thiết kế hai công trình này là một vinh dự, vì là công trình chiến lược quốc gia, bảo vệ Thủ đô, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học… của cả nước. Đây là công trình thách thức tri thức khoa học thủy lợi, bởi năng lượng của dòng lũ kinh khủng lắm, nó làm vỡ đê, xói đất thành đầm, thành hồ, làm trôi cửa nhà, cầu, cống… Nếu thiết kế công trình không khoa học, kỹ thuật, lũ sẽ đánh cho công trình "đo ván" trước khi đánh được nó.
Nhận thức sâu sắc về công trình quan trọng này, tôi bắt tay vào nghiên cứu. Căn cứ vào đặc trưng thủy - lý - địa - hình, tôi xác định vùng phân lũ và chậm lũ.
Công trình chậm lũ tôi chọn vùng trũng Tam Nông, Thanh Thủy (tỉnh Vĩnh Phú) nằm bên bờ sông Đà, bởi lũ sông Đà
"ác ôn" lắm, chiếm một nửa lũ sông Hồng, bằng lũ sông Lô, sông Thao cộng lại. Nên "chôn" được chỉ một phần nhỏ lũ sông Đà cũng hiệu quả để giảm lũ sông Hồng.
Công trình phân lũ tôi chọn nằm phía thượng lưu, cách Hà Nội không xa, thuộc huyện Phúc Thọ, tuyến công trình nằm ở thôn Vân Cốc, nên có tên là "Công trình phân lũ Vân Cốc". Từ đó, tôi tổ chức tiến hành hàng loạt khảo sát địa hình, địa chất, thủy văn.
Nội dung cơ bản của thiết kế công trình là nghiên cứu giải quyết bài toán thủy lực, phía trước công trình thiết kế, sao cho nước chảy thuận vào công trình như nước rót qua phễu vào chai, không gây bồi, xói, hệ số lưu lượng cao… Phía sau công trình phải giải quyết được tiêu năng, chống xói… Để giải quyết các vấn đề này, tôi đã tiến hành thí nghiệm mô hình thủy lực ở Viện Nghiên cứu khoa học thủy lợi 2 năm để quyết định hình thức kết cấu công trình, đây là vấn đề hóc búa bởi công trình được đặt trên lớp đất bồi tích phù sa sông Hồng rất mềm, yếu, dễ bị nước lũ xói thành hồ, thành đầm.
Tôi đã cùng kỹ sư Nguyễn Tuấn Anh, Tổ phó và anh chị em Tổ Thiết kế thủy công 2 làm việc ngày đêm ở nơi sơ tán để hoàn thành thiết kế công trình phân lũ Vân Cốc đúng thời hạn. Năm 1966, công trình được xây dựng xong.
Cuộc chiến Sơn Tinh - Thủy Tinh
Trong phòng điện đài, tiếng cô điện báo lại vang lên: "Sông Hồng gọi Sông Đà, Sông Lô, Sông Thao… nghe thấy không trả lời. Sóng vỗ buồm căng! Sóng vỗ buồm căng!".
Nước sông Hồng tiếp tục lên trên báo động số 3, các nhà thủy văn học tính toán tần suất 1%, nghĩa là con lũ một trăm năm mới xảy ra một lần. Mực nước sông ở Hà Nội sắp vượt quá sức chịu của đê. Thủ đô bị uy hiếp. Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão trung ương chỉ thị đi các nơi: "Đỉnh lũ đang truyền từ thượng lưu về, mực nước đang lên nhanh và sẽ đạt tới mức cao nhất! Giờ phút nghiêm trọng đã đến! Chúng ta quyết không để xảy ra vỡ đê! Hãy bảo vệ lấy Thủ đô ngàn năm văn hiến!".
Đồng chí Bộ trưởng Bộ Thủy lợi, Trưởng ban Phòng, chống lụt bão trung ương xin ý kiến Bộ Chính trị cho phân lũ vào sông Đáy qua công trình Vân Cốc để cứu nguy cho Hà Nội. Bộ Chính trị phê chuẩn.
Lệnh khẩn cấp cho các địa phương ven sông Đáy thông báo cho nhân dân trong phạm vi ảnh hưởng của phân lũ sơ tán.
Ông Cục trưởng Cục Quản lý đê điều, theo lệnh Bộ trưởng phóng xe ô tô Commăngca đi tìm tôi khi tôi đang hộ đê, xử lý một mạch đùm lớn ở đoạn đê Đan Phượng. Ông Cục trưởng đưa tôi đến Vân Cốc xem việc đóng mở cửa cống phân lũ có đúng như những điều đã quy định trong thiết kế, vì tôi là chủ nhiệm thiết kế, tính toán thủy lực và quy trình đóng mở cửa phân lũ.
Cuộc chiến với lũ lụt từ đời ông cha ta đến nay bao giờ cũng diễn ra quyết liệt, là "cuộc chiến Sơn Tinh - Thủy Tinh". Cuộc chiến lần này còn phải tính đến tình huống máy bay Mỹ có thể dã tâm đánh vào đê điều lúc mực nước lũ cao nhất. Các trận địa phòng không bảo vệ Thủ đô cũng đã sẵn sàng vươn nòng súng lên trời cao đánh trả.
Ông Cục trưởng được giao làm "Tư lệnh chiến trường". Ông bài binh bố trận, năng nổ, mấy ngày liền 24 trên 24 giờ ông có mặt ở chỉ huy sở, báo cáo diễn biến tình hình, xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên. Quá trình mở cống phân lũ, tôi với ông như hình với bóng. Nhìn công trình Vân Cốc như chàng Sơn Tinh oai phong trước dòng nước lũ, nhìn dòng nước lũ sông Hồng đỏ phù sa như núi rừng chảy máu rót vào trong cống, chảy cuồn cuộn về sông Đáy, làm giảm mực nước lũ ở Hà Nội, lòng tôi vui biết bao.
Mưa tạnh, mây tan, trời xanh lộ ra từng mảng. Mực nước sông xuống dần. Trên dòng sông Hồng, tàu thuyền sau những ngày tránh lũ lại êm đềm ngược xuôi. Cuối chiều, ngôi sao Hôm lại lấp lánh xuất hiện trên bầu trời.
Sau nửa tháng trời hộ đê không kể ngày đêm gian khổ, bây giờ tôi mới thấm mệt. Cái mệt rất lạ, buồn ngủ mà ngủ không được! Đói mà ăn không thấy ngon. Khát mà uống mãi không đã khát! Nhưng trong lòng tôi rất phấn khởi vì mình đã góp sức giữ đê không vỡ. Và nhất là công trình Vân Cốc mà tôi đã đóng góp công sức nhỏ bé của mình phân lũ có hiệu quả, góp phần bảo vệ Thủ đô Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến thân yêu.
Ngày nay khi đã có hồ chứa của Thủy điện Hòa Bình; Thủy điện Tuyên Quang; Thủy điện Sơn La… tham gia chống lũ cho Đồng bằng Bắc bộ, nên công trình phân lũ Vân Cốc đã hai lần phân lũ (năm 1969 và 1971) mong sẽ không bao giờ phải phân lũ nữa. Song sự tồn tại của nó vẫn có ý nghĩa dự phòng chiến lược cho những bất trắc ở phía thượng lưu và nhất là những trận "siêu lũ" do biến đổi khí hậu toàn cầu đang diễn biến bất lợi gây nên.
Về cuộc thi viết “Cả nước hướng tới 1000 năm Thăng Long - Hà Nội” Cuộc thi còn chu kỳ chấm giải vào tháng 10 - 2010 với 1 giải nhất 10 triệu đồng, 2 giải nhì mỗi giải 5 triệu đồng, 3 giải ba mỗi giải 3 triệu đồng, 10 giải khuyến khích mỗi giải 1 triệu đồng. Chủ đề: Truyền thống Thăng Long - Hà Nội, kỷ niệm sâu sắc qua các thời kỳ, khuyến khích giai đoạn hiện tại, với những con người, sự kiện mới tiêu biểu cho sự nghiệp CNH-HĐH. Để nâng cao chất lượng, BTC quyết định điều chỉnh dung lượng bài dự thi: dài nhất được 2 kỳ, mỗi kỳ 2.000 từ; dùng cả những bài nêu vấn đề nhưng có hệ thống, không sa vào vụ việc cụ thể. Địa chỉ thư điện tử: thi1000nam@hanoimoi.com.vn. Phông chữ VnArial. Rất mong sự hưởng ứng của bạn viết xa gần. BTC |