Khi nghệ sỹ không tự ái thì...

Văn hóa - Ngày đăng : 07:16, 09/05/2010

(HNM) - Mới và lạ là hai yếu tố quan trọng thu hút khán giả. Khi nghĩ ra cái mới, cái lạ tức là người nghệ sỹ đã sáng tạo, nói cách khác họ đã tự làm mới mình. Và như thế, người nghệ sỹ đã thúc đẩy nghệ thuật phát triển. Song nhiều năm trở lại đây, không ít loại hình nghệ thuật ở nước ta dậm chân tại chỗ.

Cách đây mấy năm, một nhà phê bình mỹ thuật nước ngoài sau khi nghiên cứu về hội họa đương đại Việt Nam đã đưa ra nhận xét, đại ý bộ môn nghệ thuật này dường như dậm chân tại chỗ, không bắt kịp với hội họa thế giới hiện đại. Cũng theo nhà phê bình này thì cả những họa sỹ đã thành danh vẫn trung thành với lối vẽ cũ. Chính vì thế, giá tranh thấp hơn các họa sỹ Indonesia hàng chục lần... Không riêng gì mỹ thuật, nhiều loại hình nghệ thuật trong nước vẫn theo lối mòn. Sân khấu lâu nay không có gì mới lạ trong kịch bản. Hình thức thể hiện quá cũ, vẫn là lớp lang; trang trí sân khấu quẩn quanh chỉ vài cái bục, vài tấm vách. Trong khi công nghệ ánh sáng, âm thanh ngày nay tạo điều kiện cho các đạo diễn có thể tạo ra những hiệu quả sân khấu cao nhưng dường như không được quan tâm.

Điện ảnh cũng chẳng hơn gì. Các hãng phim tư nhân chỉ chạy theo dòng phim giải trí với đề tài đồng tính, tình yêu tay ba. Tất nhiên không thể trách họ bởi họ cần thu hồi vốn, nhưng đâu chỉ có các đề tài như vậy mới hấp dẫn khán giả. Âm nhạc thì khá hơn. Một số ít nhạc sỹ, ca sỹ có ý thức tìm những giá trị thẩm mỹ mới, ví dụ như nhạc sỹ Quốc Trung, Anh Quân, Lê Minh Sơn, Ngọc Đại, Đức Trí... và có những ca khúc có vẻ khó nghe song đó là điều đáng trân trọng. Dù người nghe có vẻ không thích CD "Made in VietNam" của ca sỹ Mỹ Linh nhưng theo các nhà phê bình âm nhạc thì đó là CD có thế tầm thời đại. CD "Đường xa vạn dặm" của nhạc sỹ Quốc Trung cũng là sự sáng tạo, kết hợp giữa âm nhạc hiện đại với âm nhạc dân tộc. Tuy nhiên, số đông các nhạc sỹ quen sáng tác các bài hát nịnh tai người nghe và họ hài lòng như vậy. Nghệ thuật Việt Nam khi giới thiệu với công chúng nước ngoài chủ yếu vẫn là các loại hình nghệ thuật dân gian như: rối nước, hát chèo, múa, dân ca... Còn các loại hình nghệ thuật hiện đại thì dấu ấn để lại là ít ỏi và hiếm hoi.

Nghệ thuật khi không hướng được người xem, người nghe theo các quan niệm thẩm mỹ mới mà luôn chạy theo để chiều người nghe, người xem thì đó là một nền nghệ thuật không phát triển. Song điều quan trọng hơn cả là nghệ thuật trong nước không sáng tạo, tìm tòi sẽ tạo cơ hội cho văn hóa nước ngoài tràn vào. Khi khán giả dán mắt vào phim nước ngoài hay bị cuốn hút bởi các loại hình nghệ thuật phương Tây phát trên TV, chẳng lẽ không làm các nghệ sỹ trong nước tự ái? Và khi nghệ sỹ không có lòng tự ái thì...

Người Lái Đò