Người phụ nữ Khmer trọn việc công, đảm việc nhà

Chính trị - Ngày đăng : 08:45, 08/05/2010

(HNM) - "Tôi không được học hành nhiều, chữ nghĩa không thạo, tưởng cuộc đời mình phải chịu hoài cảnh khổ, nay nhờ chính quyền thành phố chăm lo nên cuộc sống ngày càng khấm khá hơn, hai đứa con đều được học hành chu đáo" - Chị Thạch Thị Sen nói về cuộc sống của mình.

Chị Thạch Thị Sen

Một ngày của người phụ nữ Khmer này thầm lặng, bình dị như những người phụ nữ lao động khác ở TP. 4 giờ sáng thức dậy để đi chợ, 6 giờ tất bật với gánh hàng bánh cuốn nóng ở đầu ngõ, đến trưa chị thu dọn, về nhà nấu cơm, chăm sóc gia đình. Tuy nhiên, đến khu phố 3, phường 7, quận 3 hỏi chị Sen thì không ai không biết, bởi không chỉ chăm lo tốt đời sống gia đình, chị Sen còn là người rất năng nổ trong các hoạt động của cộng đồng người Khmer tại TP cũng như khu phố nói chung.

Quê gốc Trà Vinh, 16 tuổi lên TP Hồ Chí Minh, năm 27 tuổi chị lấy chồng và ở trong một gia đình có 3 thế hệ. Như phần lớn những cô gái Khmer khác, chị chỉ được học đến lớp 3 là nghỉ, vì vậy mơ ước lớn nhất của chị là cho con học đến nơi đến chốn. Không phụ lòng mẹ, cô con gái học lớp 11 và cậu con trai học lớp 1 luôn đạt kết quả xuất sắc trong học tập. Chị tâm sự, cho con đi học đến nơi đến chốn để có kiến thức và việc làm tốt là ước nguyện của người phụ nữ ít học như chị, nhưng nếu không được sự hỗ trợ của chính quyền thì chưa chắc đã thực hiện được. Chị cảm động cho biết, chính quyền thành phố rất chăm sóc đến đời sống và việc học của con em đồng bào Khmer. Gánh hàng của chị cũng nhờ nguồn vốn vay xóa đói giảm nghèo của Hội Phụ nữ phường. Mỗi học sinh Khmer đến trường đều có học bổng. Các dịp tết, lễ hội của người Khmer như tết mừng năm mới (Chol Chnăm Thmây), lễ Đôn Ta (nhớ công ơn ông bà)… đều được chính quyền quan tâm chăm sóc, thăm hỏi và tặng quà… Chị Kim Thị Hoa, Tổ trưởng Tổ hội phụ nữ 39 cho biết, không chỉ là một trong những người chăm lo rất tốt cho gia đình, chị Sen còn tích cực vận động chị em phụ nữ Khmer trong khu phố cùng thực hiện nếp sống văn hóa, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, thực hiện sinh đẻ có kế hoạch… Vì vậy, trong cộng đồng người Khmer chị rất được quý mến, dù người phụ nữ mộc mạc, chân chất ấy luôn khiêm tốn cho rằng mình không làm được gì nhiều, chuyện chăm lo cho gia đình thì bất cứ người phụ nữ nào cũng vậy.

Ông Nguyễn Ngọc Phong, Trưởng ban Dân tộc - Tôn giáo UB MTTQ TP Hồ Chí Minh cho biết, cộng đồng người Khmer ở TP có khoảng hơn 5.000 người, tập trung nhiều nhất là ở quận 3 và Tân Bình, quanh hai ngôi chùa Chantarangsay và Pothiwong. Thực hiện Nghị quyết Trung ương Đảng về công tác chăm lo với đồng bào các dân tộc thiểu số, TP luôn dành cho đồng bào Khmer nhiều chính sách như trợ vốn cho con em các gia đình khó khăn học nghề; khi học nghề xong được giới thiệu việc làm, xây nhà tình thương và cấp học bổng cho học sinh Khmer. Đây là sự chăm sóc đặc biệt cho con em đồng bào Khmer khi tất cả học sinh đến trường đều được cấp học bổng chứ không chỉ học sinh giỏi, học sinh có hoàn cảnh khó khăn mới được cấp. Hằng năm học bổng từ MTTQ cho mỗi học sinh tiểu học là 1 triệu đồng, cấp 2, 3 là 1,5 triệu đồng và đại học là 2 triệu đồng… Ngoài ra còn những suất học bổng của quận, phường bằng tiền mặt, tập vở, bút…

Sự tập trung chăm lo của chính quyền địa phương cùng nỗ lực của mỗi gia đình đã tạo ra những bước chuyển biến lớn trong đời sống của đồng bào Khmer ở TP Hồ Chí Minh. Đã có nhiều cá nhân tiêu biểu trong hoạt động của khu phố mà chị Thạch Thị Sen là một tấm gương điển hình. Cộng đồng người Khmer cũng đã tích cực tham gia nhiều phong trào của địa phương, giúp chuyển biến những địa bàn nhiều tệ nạn xã hội mà khu vực phường 10, quận Tân Bình là một ví dụ. Đây là nơi từng có rất nhiều tệ nạn xã hội. Cộng đồng người Khmer ở đây đã cùng nhau giáo dục con em tránh xa tiêu cực, đóng góp rất lớn cùng chính quyền địa phương chuyển thành địa bàn phường an toàn, khu phố văn minh như hiện nay.

Thùy Linh