Hà Nội: Dịch lợn tai xanh tiếp tục bùng phát
Kinh tế - Ngày đăng : 07:59, 08/05/2010
Dịch bệnh tiếp tục lây lan
Theo Chi cục Thú y Hà Nội: Hiện nay, dịch lợn tai xanh trên địa bàn thành phố Hà Nội tiếp tục diễn biến phức tạp mặc dù đã được tập trung chỉ đạo quyết liệt. Tính đến ngày 6-5, dịch đã xuất hiện thêm ở các huyện Thường Tín, Phú Xuyên đưa tổng số huyện có dịch trên địa bàn TP lên 5 huyện (Mê Linh, Phú Xuyên, Thường Tín, Thanh Oai). Hiện nay, dịch tai xanh đã xảy ra ở 418 hộ chăn nuôi làm 3.772 con lợn ốm, số lợn tiêu hủy đã lên đến 2.106 con. Đặc biệt, những huyện bị nhiễm dịch chưa khống chế được nên vẫn phát sinh thêm số xã có lợn bị bệnh. Tại huyện Gia Lâm, trong những ngày đầu tháng 5 đã phát sinh thêm dịch bệnh tại 3 xã, đưa số xã có bệnh tai xanh lên 8 xã với 144 hộ có lợn mắc bệnh. Số lợn ốm trên địa bàn huyện tăng thêm 1.157 con, 474 con bị tiêu hủy. Ở huyện Phú Xuyên cũng phát sinh thêm 17 hộ thuộc 3/5 thôn của xã Phúc Tiến làm 221 con lợn bị ốm, 42 con chết, 172 con bị tiêu hủy...
Phun thuốc khử trùng tiêu độc chuồng trại chăn nuôi tại các hộ gia đình ở xã Đại Đồng, tỉnh Hưng Yên. ảnh: An Đăng - TTXVN |
Ông Cấn Xuân Bình, Chi cục phó Chi cục Thú y Hà Nội cho biết: Hiện nay, 11 chốt kiểm dịch liên ngành của thành phố hoạt động 24/24h, kiểm tra, kiểm soát hoạt động vận chuyển lợn ra vào thành phố. Từ khi xảy ra dịch, các chốt chưa bắt được vụ buôn bán lợn ốm nào. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng các thương lái buôn lợn từ vùng có dịch về theo đường hẻm, ngõ tắt vào nội thành nên rất khó kiểm soát. Đáng lo ngại hơn là người dân còn chuyển lợn bệnh từ nơi khác về Hà Nội tiêu hủy để nhận tiền hỗ trợ.
Ông Phùng Văn Tảo, Trạm trưởng Trạm Thú y Phú Xuyên cho biết: Từ khi có dịch, huyện đã lập 3 trạm kiểm dịch trên địa bàn Phúc Tiến nhưng công tác kiểm dịch khó khăn bởi lực lượng thú y quá mỏng, địa bàn nông thôn lại rất rộng với nhiều tuyến đường nhỏ nên không thể kiểm soát toàn bộ hoạt động vận chuyển lợn của các thương lái. Vì vậy, một số người dân thiếu ý thức vẫn mang lợn ốm đi tiêu thụ.
Tăng cường kiểm tra vận chuyển lợn
Ông Cấn Xuân Bình nhận định: Hiện nay, dịch lợn tai xanh đang có nguy cơ bùng phát và lan ra diện rộng. Vì vậy, nếu không làm tốt công tác tiêu hủy lợn ốm và kiểm soát vận chuyển lợn sát sao, nghiêm ngặt, nguy cơ lây lan sang huyện khác rất lớn. Vì vậy, các địa phương phải tập trung phòng, chống và ngăn chặn dịch. Trước mắt, cần nghiêm cấm người chăn nuôi vứt xác lợn ốm chết ra đường hoặc xuống ao hồ.
Ông Phùng Văn Tảo cho rằng: Hiện nay việc ngăn chặn, khoanh vùng dập dịch và tiêu hủy lợn bị bệnh là cần thiết và phải làm triệt để. Để bảo đảm không có sản phẩm lợn ốm tuồn ra thị trường thì ý thức của người dân vẫn là quan trọng nhất và chính quyền địa phương phải vào cuộc quyết liệt, thấy hiện tượng lợn ốm chết phải tiêu hủy ngay. Đối với lợn chữa chờ khỏi bệnh cần cử cán bộ thú y xã theo dõi sát sao, chỉ khi lợn hoàn toàn khỏi bệnh mới cho phép bán.
Theo ông Bình, để nâng cao hoạt động của các chốt kiểm dịch liên ngành cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng. Mỗi chốt kiểm dịch cần phải có đủ các lực lượng liên ngành như quản lý thị trường, công an và cán bộ thú y nhằm kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm từ lợn, kiên quyết không để sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, lợn ốm vào nội thành Hà Nội. Tuy nhiên, để các chốt kiểm dịch hoạt động có hiệu quả, lực lượng tham gia tại các chốt kiểm dịch phải thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ và thực hiện nghiêm túc quy trình kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật. Phối hợp chặt chẽ và xử lý triệt để các trường hợp vi phạm các quy định về phòng, chống dịch, kiểm dịch động vật. Tại từng chốt, lực lượng thú y giữ vai trò trưởng chốt kiểm dịch động vật liên ngành và phải chịu trách nhiệm đôn đốc các lực lượng tham gia hoàn thành tốt nhiệm vụ trong từng ca trực, có như vậy mới từng bước ngăn chặn dịch lây ra diện rộng.
Ngày 7-5, UBND thành phố Hà Nội đã có Công điện số 04/CĐ-UBND về việc tập trung chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tai xanh ở lợn. Công điện nêu rõ các quận, huyện, thị xã phải tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch theo kế hoạch của UBND thành phố và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn... Sở NN&PTNT thành lập các tổ công tác, phân công cụ thể từng lãnh đạo sở, cán bộ chuyên môn nghiệp vụ về trực tiếp các huyện, thị xã để kiểm tra đôn đốc, hướng dẫn kết hợp với các quận, huyện, các cơ sở thực hiện việc phòng, chống dịch. Chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư hóa chất, vắc xin cung cấp kịp thời cho các địa phương để thực hiện công tác phòng, chống dịch theo kế hoạch chỉ đạo... |