Bầu cử Quốc hội Anh: Bất ngờ nhân tố thứ ba
Thế giới - Ngày đăng : 07:23, 08/05/2010
Đến cuối ngày 7-5 (giờ Việt Nam), kết quả kiểm 87% số phiếu cho thấy, đảng Bảo thủ đang dẫn đầu với 292 ghế, Công đảng cầm quyền về thứ hai với 251 ghế và đảng Dân chủ tự do được 51 ghế. Như vậy, lần đầu tiên kể từ năm 1970, không có đảng nào giữa Công đảng và đảng Bảo thủ giành được quá bán trong số 650 ghế quốc hội để tự đứng ra thành lập chính phủ. Hay nói cách khác, sự trỗi dậy ngoạn mục của yếu tố thứ ba mang tên Dân chủ tự do đang khiến nước Anh phải đối mặt với tình trạng "quốc hội treo".
Từ trái qua phải: Lãnh đạo đảng Bảo thủ D.Cameron, Thủ tướng Anh - lãnh đạo đảng Lao động G.Brown, thủ lĩnh đảng Dân chủ tự do Nick Clegg. |
Kết quả bầu cử cho thấy, đến lúc này dường như cử tri Anh vẫn chưa tha thứ cho đảng Lao động dưới thời lãnh đạo của cựu Thủ tướng Tony Blair đã đưa nước Anh vào cuộc chiến tranh Iraq năm 2003 do Mỹ đứng đầu với cái cớ không có thực. Trong khi đó, màn thể hiện nhằm lấy lại uy tín cho đảng Lao động của Thủ tướng Gordon Brown kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 6-2007 lại chưa đủ sức thuyết phục. Điều này cũng đồng nghĩa với việc đảng Lao động phải đối mặt với khả năng chấm dứt 13 năm cầm quyền liên tiếp. Trái lại, sự sa sút của đảng Lao động cầm quyền đã trở thành cơ hội ngàn vàng với đảng Bảo thủ. Nhưng cơ hội của chính đảng từng làm mưa làm gió trên chính trường Anh những năm 1980 và nửa đầu những năm 1990 đã bị bỏ lỡ. Cương lĩnh tranh cử do thủ lĩnh David Cameron vạch ra đã không thật sự khiến cử tri nước Anh tin tưởng. Trong bối cảnh đó, đảng Dân chủ tự do đã tỏ ra biết tận dụng cơ hội để bám sát hai "ông lớn" từng luôn bỏ xa họ trên chính trường; đồng thời tăng khả năng đưa thêm thành viên đảng này vào bộ máy lãnh đạo quốc gia sau cuộc bầu cử. Có thể thấy, thủ lĩnh trẻ tuổi Nick Clegg đã thành công khi đưa đảng Dân chủ tự do trở thành diễn viên chính trên sân khấu chính trị nước Anh qua cuộc bầu cử này.
Chính trường Anh đang đứng trước một bước ngoặt lớn. Các đảng sẽ buộc phải thương lượng để lập chính phủ liên minh hoặc chính phủ thiểu số. Điều này sẽ đưa đảo quốc bên biển Manche vào thế rất chông chênh; vì lịch sử chính trường hiện đại cho thấy rất rõ rằng, một chính phủ thiểu số hay một chính phủ liên minh đều sẽ khiến việc điều hành đất nước trở nên khó khăn hơn. Không chỉ các chính sách đối nội mà ngay cả chính sách đối ngoại của Anh cũng sẽ bị tác động. Vai trò của Anh với Liên minh châu Âu (EU) và vai trò cầu nối của Anh - Mỹ với EU cũng sẽ chịu nhiều ảnh hưởng trước một nội các lỏng lẻo như vậy. Một số nhà phân tích quốc tế đã gióng lên hồi chuông cảnh báo vị thế của Anh trước EU và vai trò cầu nối của Anh giữa EU và Mỹ sẽ bị thu lại.
Những lo ngại trên xem ra không phải không có cơ sở vì ngoài những mâu thuẫn có thể xảy ra trong liên minh cầm quyền thì nước Anh hiện nay đang phải đối mặt với tình trạng thâm hụt ngân sách kỷ lục - 163,4 tỷ bảng (vượt quá 11% GDP). Tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính trong hai năm qua buộc Chính phủ phải cắt giảm chi tiêu ngân sách. Trong khi đó, quyết định duy trì một ảnh hưởng mang tầm thế giới lại đòi hỏi Anh phải liên tục chi tiêu ở mức khó có thể kham nổi trong bối cảnh hiện nay.
Cuộc trỗi dậy ngoạn mục của một đảng không mấy tên tuổi ở Anh trong cuộc đua đã tạo ra ẩn số mới của những câu hỏi với tân chính phủ Anh. Đó là làm thế nào cân bằng chính sách đối nội và đối ngoại để vừa duy trì được vị thế của Anh quốc trên trường quốc tế; đồng thời xua tan cơn thịnh nộ của cử tri với các nghị sĩ Anh sau hàng loạt vụ bê bối thời gian vừa qua.