Phải có giải pháp đột phá

Kinh tế - Ngày đăng : 07:09, 07/05/2010

(HNM) - Thủ tướng Chính phủ vừa thông qua chương trình phát triển vật liệu xây dựng (VLXD) không nung đến năm 2020 nhằm thay thế 30-40% VLXD bằng đất sét nung.

Bốc xếp gạch không nung tại Công ty CP Minh Công, Hải Dương.


Chưa thể xóa lò gạch thủ công
Tốc độ đô thị hóa nhanh kéo theo nhu cầu VLXD không chỉ ở các thành phố lớn. Sản lượng gạch, ngói đất sét nung bằng lò tuy nen mới đáp ứng được một nửa nguồn cung cho thị trường Hà Nội (khoảng 900 triệu viên/năm). Thêm vào đó, hầu hết cơ sở này đều không còn nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất tại chỗ, phải thu mua ở khu vực xung quanh, tận dụng đất đào ao, kênh mương thủy lợi hoặc hạ cốt ruộng. Một số nhà máy nằm trong khu vực đô thị phải chuyển đổi mục đích sử dụng. Trong khi đó, nguồn cung từ các tỉnh lân cận (Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Ninh...) cũng bị hạn chế do giao thông và cước phí vận chuyển tăng, đẩy giá thành lên cao. Dự báo, đến năm 2015 nguồn nguyên liệu sản xuất gạch ngói nung trên địa bàn Hà Nội sẽ cạn kiệt.

Được coi là giải pháp thay thế, bổ sung cho VLXD bằng đất sét nung, song việc phát triển vật liệu xây không nung cũng rất hạn chế. Hiện nay mới có 7 cơ sở sản xuất gạch block xi măng - cốt liệu, công suất khoảng 90 triệu viên/năm, đã được sử dụng ở một số dự án khu đô thị song số lượng không nhiều. Năm 2009, các cơ sở này hoạt động với 70% công suất. Hà Nội chỉ có 4 cơ sở sản xuất vật liệu xây nhẹ, công suất 110 triệu viên/năm, song sản lượng năm 2009 mới được 1 triệu viên do giá thành cao, các loại phụ gia sản xuất vẫn phải nhập ngoại. Trong khi đó, gạch block puzơlan chỉ có 1 cơ sở duy nhất, công suất 2 triệu viên/năm. Do đó, mặc dù ảnh hưởng đến môi trường, sản xuất nông nghiệp, xâm hại đất canh tác, nhưng các lò gạch thủ công vẫn có vai trò nhất định trên thị trường VLXD.

Trên địa bàn Hà Nội hiện có 1.250 lò gạch thủ công, chưa kể số lò gạch hoạt động theo mùa vụ, cung cấp cho thị trường khoảng 800 triệu viên gạch/năm. Chủ yếu các lò gạch nằm tại các huyện có mỏ nguyên liệu đất sét và các huyện có vùng đất bãi ven sông như Phúc Thọ (191 lò), Sóc Sơn (185 lò), Chương Mỹ (165 lò), Mê Linh (127 lò)... Nếu thiếu nguồn gạch từ các lò thủ công, chắc chắn nguồn cung cho thị trường VLXD Hà Nội sẽ rất khó khăn. Đây là điều các nhà quản lý cần nhìn nhận thẳng thắn để có những giải pháp đột phá nhằm bảo đảm được 2 mục tiêu: xóa lò gạch thủ công và khuyến khích phát triển vật liệu xây không nung.

30-40% vật liệu không nung: có khả thi?
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chương trình phát triển vật liệu không nung, trong đó bắt buộc công trình cao 9 tầng trở lên phải sử dụng 30% vật liệu xây không nung loại nhẹ. Tuy nhiên, có một thực tế là giá thành vật liệu không nung cao và tâm lý sử dụng vật liệu nung phổ biến vẫn đang là trở ngại. Vì vậy, theo các nhà chuyên môn, cần có giải pháp mạnh, như cấm triệt để việc sử dụng đất canh tác sản xuất gạch ngói đất sét nung, bắt buộc sử dụng vật liệu không nung tại công trình ngay từ khâu lập dự án đầu tư; quy hoạch ngay vùng nguyên liệu, vùng sản xuất VLXD, trong đó có vật liệu không nung thay thế vật liệu nung truyền thống; tạo cơ chế chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư sản xuất vật liệu không nung.

Sở Xây dựng Hà Nội đã chỉ đạo Viện Khoa học công nghệ và Kinh tế xây dựng Hà Nội tập trung nghiên cứu chương trình phát triển vật liệu xây không nung và các đề tài khoa học, như quy trình công nghệ dùng đất đồi Sóc Sơn thay thế sử dụng đất canh tác để sản xuất gạch; công nghệ sản xuất bê tông bọt ứng dụng cho việc xây dựng nhà cao tầng; giải pháp vật liệu kết cấu thi công tường nhẹ trong các chung cư xây mới... Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Kinh tế xây dựng Hà Nội Nguyễn Sinh Minh cho biết, để bảo đảm cân đối cung - cầu cho thị trường và lập dự án đầu tư, trước mắt chưa thể bỏ ngay các lò gạch thủ công.

Dự kiến, đến năm 2015 sản lượng VLXD không nung chiếm 20-25%; năm 2020 là 30-40%. Trong đó, tỷ lệ gạch block xi măng-cốt liệu vào khoảng 70%; gạch block nhẹ, bê tông nhẹ khoảng 25%, các loại gạch khác như đá ong, đá chẻ, gạch đất puzolan, gạch từ đất đồi và phế thải, gạch silicat chiếm khoảng 5% tổng số sản lượng vật liệu xây không nung. Bên cạnh việc khuyến khích đầu tư các dây chuyền công nghệ tiên tiến có công suất từ 7 triệu đến 40 triệu viên/năm (sẽ mở rộng theo nhu cầu thị trường), mỗi huyện cũng cần đầu tư 1-2 cơ sở sản xuất gạch không nung công suất nhỏ, quy mô 1-2 triệu viên/năm, với công nghệ, thiết bị do các doanh nghiệp cơ khí trong nước chế tạo để đáp ứng nhu cầu trực tiếp và gắn với mức sống của nhân dân trên địa bàn.

Khánh Khoa