Tạo sự đồng thuận
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:20, 07/05/2010
Trong các số báo mấy ngày qua, Hànộimới cũng đã đăng loạt bài phân tích khá kỹ các vấn đề liên quan đến khu phố cổ Hà Nội. Tuy nhiên, để có thể thực hiện được chủ trương này thì chỉ riêng quyết tâm của chính quyền có lẽ không đủ mà cần cả sự nỗ lực từ nhà quản lý và người dân. Mà muốn nhận được sự hợp tác của người dân trong điều kiện kinh tế - xã hội như hiện nay, các nhà quản lý không thể xem nhẹ các yếu tố đời sống. Thực tế hiện nay, mặc dù phải sống xoay xở, cầm cự trong những căn phòng chật chội, xuống cấp trầm trọng nhưng cư dân phố cổ vẫn chưa thiết tha với dự án di dời. Tại sao vậy?
Ngay tại cuộc làm việc hôm 5-5, sau khi nghe đơn vị tư vấn báo cáo, nhiều đại biểu các sở, ngành của thành phố cũng cho rằng đề án còn sơ lược, chưa khảo sát, phân tích sâu để có thể thực hiện được ngay. Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật của Khu đô thị mới Việt Hưng là nơi dự tính giãn dân phố cổ sang có thể đáp ứng cho khoảng 4.000 dân, nếu đón thêm dân từ khu phố cổ sang sẽ thành 6.500 dân, gây quá tải về hạ tầng kỹ thuật. Ngoài ra, còn chưa thấy đề cập đến việc xây dựng thêm các vườn hoa, sân chơi, tiện ích công cộng…
Có một thực tế ở Hà Nội mấy năm qua chắc nhiều người đã biết, đó là chuyện bất cập tại các khu đô thị tái định cư, từ chất lượng công trình, môi trường sống, môi trường văn hóa, đến việc làm… còn có những điều chưa ổn. Nguyên nhân một phần vì các dự án chưa "tới tầm", manh mún, phần khác không nhỏ cũng do sự chưa tròn trách nhiệm của một số đơn vị liên quan. Trước những bài học kinh nghiệm này, khi lập dự án giãn dân phố cổ là dự án có tầm ảnh hưởng xã hội lớn, bắt buộc phải tránh được những bất ổn này.
Dễ nhận thấy, với đa số người dân phố cổ, việc phải thay đổi thói quen sinh hoạt và làm việc lâu nay chẳng dễ dàng, đó là chưa kể họ phải rời nơi được coi là trung tâm bán buôn, thương mại sầm uất bậc nhất của Thủ đô. Nay yêu cầu họ dịch chuyển đến khu mới theo một dự án mà ngay chính các cơ quan quản lý cũng còn thấy chưa ổn thì quả thực vấn đề sẽ thêm phần khó khăn.
Lãnh đạo TP Hà Nội cũng đã khẳng định việc "giãn dân phố cổ là vấn đề mang tính xã hội cao và rất phức tạp, đòi hỏi phải nghiên cứu một cách toàn diện, chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo và phải có bước đi thích hợp, khả thi và hiệu quả". Chính vì thế rất mong các cơ quan chức năng có sự khảo sát kỹ lưỡng nguyện vọng của người dân, tạo nên sự đồng thuận của người dân. Từ chủ trương đúng đắn, nếu muốn khả thi cần phải có quá trình hợp lý. Phải làm sao để việc di dời đó không ảnh hưởng quá lớn đến cuộc sống, mà phải thuận lợi cho cuộc sống của người dân. Mà muốn được như vậy thì điều đầu tiên là phải cho họ thấy được rằng, họ đang rất được quan tâm, cả về vật chất lẫn tinh thần.